'Đại gia' xi măng Công Thanh lỗ đậm 9 năm liên tiếp, nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Kiểm toán bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh vừa công bố báo cáo tài chính năm 2024 với bức tranh kinh doanh tiếp tục chìm trong u ám. Doanh thu thuần cả năm chỉ đạt 165 tỷ đồng, giảm sâu 65% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Trong khi đó, giá vốn hàng bán lên tới 455 tỷ đồng, khiến doanh nghiệp lỗ gộp 290 tỷ đồng. Gánh nặng chi phí tài chính – chủ yếu là lãi vay tiếp tục đè nặng với con số gần 1.100 tỷ đồng. Sau khi trừ đi tất cả các khoản chi phí khác, Công Thanh báo lỗ ròng 1.444 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 1.826 tỷ đồng trong năm 2023.
Đáng chú ý, đây đã là năm thứ 9 liên tiếp Công Thanh kinh doanh thua lỗ và năm thứ 3 liên tiếp lỗ trên ngưỡng 1.000 tỷ đồng, đưa khoản lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2024 lên tới hơn 9.300 tỷ đồng.
![]() |
Xi măng Công Thanh lỗ lũy kế hơn 9.300 tỷ đồng |
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của công ty hiện ở mức 11.656 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu đã âm nặng hơn 8.400 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả tiếp tục phình to, vượt 20.100 tỷ đồng, tăng hơn 1.100 tỷ đồng chỉ sau một năm. Trong đó, các khoản vay ngân hàng chiếm 7.300 tỷ đồng và chi phí phải trả dài hạn gần 11.000 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán cũng bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về khả năng hoạt động liên tục của Xi măng Công Thanh. Theo báo cáo, tính đến ngày 31/12/2024, nợ ngắn hạn của công ty đã vượt tài sản ngắn hạn tới 3.132 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn chưa thanh toán các khoản vay dài hạn và trái phiếu đến hạn với tổng số tiền 1.893 tỷ đồng cho Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank - CTG), cùng khoản vay ngắn hạn 286 tỷ đồng từ Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội. Tổng lãi vay quá hạn đến cuối năm đã lên đến 411 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh, thành lập năm 2006, là một trong những doanh nghiệp xi măng tư nhân lớn tại Việt Nam. Nhà máy chính đặt tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, với hai dây chuyền sản xuất có tổng công suất hơn 6 triệu tấn xi măng mỗi năm.
Dây chuyền 2, công suất 2 triệu tấn/năm, được đầu tư 12.500 tỷ đồng và sử dụng công nghệ tiên tiến từ Đức. Ngoài ra, công ty còn sở hữu trạm nghiền xi măng tại Đồng Nai, công suất 1 triệu tấn/năm, cùng hệ thống cảng nước sâu cho tàu trọng tải đến 30.000 DWT, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu clinker và xi măng.
Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, doanh nghiệp hiện đang đối mặt với áp lực tài chính lớn và tình trạng thua lỗ kéo dài.
>>Người phụ nữ cho Xi măng Công Thanh vay 326 tỷ đồng suốt hơn một thập kỷ
Đại gia Xi măng Xuân Thành báo lãi 26 tỷ đồng, nợ ngân hàng hơn 10.600 tỷ đồng
Philippines áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời với xi măng nhập khẩu: Việt Nam bị ảnh hưởng lớn