Đại học công lập có doanh thu cao nhất Việt Nam lần đầu tiên thành lập Trường Kinh tế, là nơi đã đào tạo hơn 10.000 Kỹ sư, Cử nhân
Hiện đại học này có 12 đơn vị hành chính, 8 đơn vị dịch vụ - hỗ trợ, 6 trường, 4 khoa quản ngành, 3 khoa đại cương, 6 viện nghiên cứu, 1 doanh nghiệp.
Sáng ngày 2/8, Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố quyết định thành lập Trường Kinh tế trên cơ sở tổ chức lại Viện Kinh tế và Quản lý.
PGS Nguyễn Danh Nguyên, người từng giữ chức Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý, sẽ đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng của Trường Kinh tế mới.
Được biết, lĩnh vực Kinh tế bắt đầu được đào tạo tại Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 1965, với khoa Kỹ sư Kinh tế. Năm 2011, trường thành lập Viện Kinh tế và Quản lý và giờ là Trường Kinh tế. Tính đến nay, đơn vị này đã đào tạo hơn 10.000 Kỹ sư, Cử nhân; 7.000 Thạc sĩ và 50 Tiến sĩ.
PGS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, nhấn mạnh rằng việc thành lập Trường Kinh tế không chỉ đơn thuần là đổi tên gọi, mà còn thể hiện sự thay đổi lớn về mô hình phát triển và khát vọng đổi mới. Mặc dù mở rộng sang nhiều lĩnh vực, trường vẫn giữ vững nền tảng cốt lõi là công nghệ và kỹ thuật.
Cùng với đó thành lập 4 viện nghiên cứu, gồm:
- Viện Khoa học và Công nghệ sức khỏe (trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Điện tử y sinh học). PGS Trương Quốc Phong, giảng viên cao cấp Trường Hóa và Khoa học sự sống, được bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng;
- Viện Công nghệ Điều khiển và Tự động hóa (trên cơ sở điều chỉnh tên gọi và tái cơ cấu Viện Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa). PGS Nguyễn Quang Địch, giảng viên cao cấp Trường Điện - Điện tử, được bổ nhiệm chức danh Viện trưởng;
- Viện Công nghệ Năng lượng (trên cơ sở điều chỉnh tên gọi và tái cơ cấu Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt lạnh). PGS Đặng Trần Thọ, giảng viên cao cấp Trường Cơ khí, được bổ nhiệm chức danh Viện trưởng;
- Viện Nghiên cứu Công nghệ không gian và dưới nước (trên cơ sở phê duyệt đề án Phát triển Viện Nghiên cứu Công nghệ không gian và dưới nước), TS Đinh Tấn Hưng, giảng viên Trường Cơ khí, được bổ nhiệm chức danh Viện trưởng.
Trước đó, Đại học Bách khoa Hà Nội đã có Trường Hóa và Khoa học sự sống, Vật liệu (thành lập tháng 3/2023), Cơ khí, Điện - Điện tử, Công nghệ thông tin và Truyền thông (tháng 10/2021).
Hiện nay, Đại học Bách khoa Hà Nội có 12 đơn vị hành chính, 8 đơn vị dịch vụ - hỗ trợ, 6 trường, 4 khoa quản ngành, 3 khoa đại cương, 6 viện nghiên cứu và 1 doanh nghiệp.
Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những trường đại học hàng đầu tại Việt Nam, với điểm đầu vào cao và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp rất ấn tượng. Ngoài ra, trường cũng nằm trong nhóm các đại học công lập có doanh thu cao nhất cả nước.
Tháng 12/2022, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành Đại học Bách khoa Hà Nội theo quyết định của Chính phủ, là đại học thứ 6 của Việt Nam (5 đại học trước đó gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng).
Theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, trường đại học và đại học là hai khái niệm khác nhau. Trường đại học, học viện là cơ sở đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Còn đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, gồm các trường đại học, khoa thành viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá mô hình đại học thích hợp với một hệ thống lớn, cán bộ, giảng viên và sinh viên đông, đa dạng như Bách khoa Hà Nội. Mô hình này vừa đảm bảo sự tự chủ và điều hành thống nhất, vừa tạo điều kiện cho từng đơn vị trực thuộc có quyền tự chủ, giúp cả hệ thống tăng sự năng động, sáng tạo.Mỗi năm, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển khoảng 8.000-9.000 sinh viên chính quy, tổng quy mô đại học và sau đại học khoảng 40.000 sinh viên và học viên, nghiên cứu sinh.