Đại học của Việt Nam từng lọt top 100 thế giới theo nhóm ngành, có hơn 400 giáo sư, phó giáo sư và hơn 1.300 tiến sĩ
Với kết quả này, đây trở thành Đại học có nhiều tân giáo sư, phó giáo sư nhất cả nước trong đợt xét duyệt năm 2024.
Một trong những Đại học lớn nhất Việt Nam
Nằm ở khu vực phía Đông TP.HCM – đô thị phát triển bậc nhất Việt Nam, Đại học Quốc gia TP. HCM được Chính phủ Việt Nam thành lập vào năm 1995 với sứ mệnh trở thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học, công nghệ chất lượng cao. Đại học Quốc gia TP. HCM hướng đến việc tạo dựng một hệ thống giáo dục đại học tiên tiến, đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần nòng cốt vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Trải rộng trên diện tích 643,7 hecta, Đại học Quốc gia TP. HCM hoạt động theo mô hình đô thị đại học hiện đại và là một trong những cơ sở giáo dục lớn nhất Việt Nam. Hệ thống này bao gồm 27 đơn vị đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, cùng 8 đơn vị thành viên: Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Kinh tế – Luật, Viện Môi trường – Tài nguyên và Trường ĐH An Giang.
Hiện nay, Đại học Quốc gia TP. HCM là nơi học tập của hơn 69.000 sinh viên chính quy và có một đội ngũ học giả uy tín gồm hơn 400 giáo sư, phó giáo sư cùng 1.300 tiến sĩ. Chương trình đào tạo của Đại học Quốc gia TP. HCM cung cấp 138 ngành/nhóm ngành ở các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kinh tế, sức khỏe và nông nghiệp, cùng 125 chương trình thạc sĩ và 89 chương trình tiến sĩ.
Đặt mục tiêu trở thành một trong những hệ thống đại học hàng đầu châu Á, Đại học Quốc gia TP. HCM liên tục được tổ chức Quacquarelli Symonds Asia (QS Asia) xếp vào top 150 đại học hàng đầu khu vực. Từ năm 2019, trường duy trì vị trí trong nhóm 701-750 trên bảng xếp hạng đại học toàn cầu của QS đánh giá hơn 1.000 trường thuộc 82 quốc gia.
Trong bảng xếp hạng QS theo lĩnh vực năm 2023, Đại học Quốc gia TP. HCM cùng trường Đại học Duy Tân lọt vào nhóm 51-100 thế giới ở ngành Kỹ thuật dầu khí, trong khi Đại học Duy Tân đứng ở cùng nhóm cho ngành Quản trị dịch vụ du lịch và giải trí. Đây là thành tích cao nhất mà các cơ sở giáo dục Việt Nam từng đạt được trên bảng xếp hạng theo lĩnh vực của QS.
Có thêm 40 tân giáo sư, phó giáo sư
Mới đây, theo thông tin từ Đại học Quốc gia TP.HCM, trong danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư năm 2024 do Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố đã có 40 tân giáo sư, phó giáo sư đang làm việc tại đơn vị. Trong số đó, có 7 ứng viên đạt chuẩn giáo sư và 33 ứng viên đạt chuẩn phó giáo sư.
Các ứng viên đạt chuẩn giáo sư đến từ nhiều chuyên ngành, bao gồm cơ học, liên ngành hóa học - công nghệ thực phẩm, luyện kim, sinh học, và liên ngành sử học - khảo cổ học - dân tộc học, toán học, và y học. Các ngành có ứng viên đạt chuẩn phó giáo sư đa dạng như cơ học, liên ngành cơ khí - động lực, công nghệ thông tin, điện - điện tử - tự động hóa, hóa học - công nghệ thực phẩm, khoa học trái đất - mỏ, kinh tế, và toán học.
Đáng chú ý trong danh sách này là hai hiệu trưởng từ các trường thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM: ông Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa và bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn.
PGS.TS Mai Thanh Phong sinh năm 1972 tại Hà Tĩnh, là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ hóa học. Ông tốt nghiệp đại học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận bằng thạc sĩ ngành công nghệ môi trường tại Học viện Công nghệ châu Á, Thái Lan, và tiến sĩ tại Đức.
Sau khi được bổ nhiệm và công nhận chức danh phó giáo sư năm 2013, ông đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Ông chuyên nghiên cứu về kỹ thuật phản ứng hóa học và vật liệu trong kỹ thuật hóa học. Đến nay, ông đã công bố 145 bài báo khoa học, với 123 bài trên các tạp chí quốc tế danh tiếng. Ngoài ra, ông còn sở hữu 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích và xuất bản 3 cuốn sách phục vụ đào tạo.
GS.TS Ngô Thị Phương Lan sinh năm 1974 tại Long An, có nền tảng học vấn về Đông Nam Á học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM và thạc sĩ ngành nhân học từ Đại học Toronto, Canada. Bà nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành dân tộc học vào năm 2012 và đạt chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2018.
Bà Lan đã công bố 53 bài báo khoa học, trong đó có 5 bài trên tạp chí quốc tế, và xuất bản 13 cuốn sách. Hướng nghiên cứu chính của bà bao gồm nhân học, dân tộc học kinh tế, sinh kế tộc người, nhân học sinh thái và môi trường, cùng du lịch nông nghiệp. Bà Lan hiện là giáo sư duy nhất trong liên ngành sử học - khảo cổ học - dân tộc học.
>> Đại học nào có nhiều tân giáo sư, phó giáo sư nhất cả nước?