"Đại lộ" Vinasun (VNS): Băng qua "ổ gà"... lại là "ổ voi"

04-05-2023 18:34|Minh Thuận

Vinasun nếu phải đối đầu với GSM - một gương mặt "non trẻ" được hậu thuẫn bởi hệ sinh thái khổng lồ của Tập đoàn Vingroup, cách xoay sở và thoát khỏi chiếc bóng của "người khổng lồ" là một bài toán không hề dễ giải với hãng taxi truyền thống này.

Sau 8 quý lỗ thông là 5 quý lãi ròng liên tiếp

CTCP Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (Mã VNS - HOSE) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực.

Trong quý, Vinasun đạt doanh thu thuần 326 tỷ đồng - gấp đôi so với quý 1/2022; lợi nhuận gộp ở mức 75 tỷ đồng - tăng 108% YoY qua đó kéo biên lãi gộp lên 23%.

Chi phí hoạt động tăng mạnh trong kỳ với mức gần 45 tỷ đồng song nhờ doanh thu tài chính tăng 2,4 lần lên mức 10,2 tỷ và thu nhập khác tăng lên mức 13,3 tỷ nên sau cùng VNS báo lãi ròng 53,1 tỷ đồng - gấp 4,2 lần cùng kỳ năm ngoái.

Đáng nói, đây cũng là quý có lãi thứ 5 liên tiếp của hãng vận tải này kể từ đầu năm 2022.

Tại ĐHCĐ thường niên 2023 ngày 25/4 vừa qua, Vinasun đã đặt kế hoạch doanh thu 1.345 tỷ đồng - tăng 23,5% so với mức 1.089 tỷ của năm 2022; mục tiêu lãi sau thuế hơn 209 tỷ đồng - tăng 13% YoY.

Như vậy kết thúc quý 1, Vinasun đã thực hiện được hơn 25% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.

Nguồn VNS

Cơn bĩ cực đã qua...

Vinasun chính thức ra mắt ngày 27/1/2003 với chỉ 10 đầu xe. Ngày 17/7/2003, công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần với tên Ánh Dương Việt Nam. Sau 7 lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của VNS ở mức 678,6 tỷ đồng - tương đương hơn 67,8 triệu cổ phiếu (được nắm giữ bởi 1.021 cổ đông).

Năm 2009, số lượng xe taxi Vinasun lên tới 3.000 chiếc với 6.000 tài xế qua đó biến hãng trở thành hãng taxi lớn nhất cả nước. Đây cũng là năm đầu Vinasun đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng (1.068 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế 107 tỷ.

Liên tiếp các năm sau đó, VNS không ngừng phát triển mở rộng, đánh chiếm thị phần taxi vận tải phía Nam tại các tỉnh thành phố như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu,...

Năm 2015, số đầu xe của hãng lên tới 6.000 chiếc và lợi nhuận ròng đạt đỉnh 329 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây cũng là năm cuối cùng trước khi công ty bước vào chuỗi tăng trưởng âm nhiều năm sau đó.

Năm 2014, Uber và Grab đặt chân tới Việt Nam. Sự lớn mạnh của 2 hãng xe công nghệ này (sau đó là Grab) đã đẩy "thương hiệu có tuổi" - Vinasun vào cảnh kinh doanh tụt dốc. Thậm chí đến thời điểm VNS thắng kiện Grab, dưới tác động nặng nề của dịch COVID-19, công ty đã lần lượt lỗ ròng 207 tỷ và 273 tỷ đồng trong các năm 2020 - 2021 - mức lỗ chưa bao giờ được ghi nhận trong lịch sử hoạt động.

Phía công ty cho biết, chi phí vận hành lớn đã gây khó khăn trong việc cạnh tranh về giá trên thị trường. Ngoài ra, Vinasun cũng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn từ các tập đoàn nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, dễ dàng thu hút khách hàng thông qua hàng loạt chính sách ưu đãi, khuyến mãi liên tục.

Giai đoạn này, đối thủ thâm niên - cạnh tranh trực tiếp với VNS là Tập đoàn Mai Linh cũng lâm vào tình cảnh tương tự với khoản lỗ lũy kế gần 1.420 tỷ đồng (cuối năm 2021).

Có thời điểm, nhà đầu tư đã mường tượng viễn cảnh cổ phiếu VNS bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE đến trước khi khoản lãi ròng 12,5 tỷ đồng xuất hiện trong báo cáo tài chính quý 1/2022 của Vinasun.

... "Người khổng lồ" lại tới!

Trước mắt, khoản lãi trăm tỷ năm 2022 và kế hoạch lợi nhuận vượt trở lại mốc 200 tỷ đồng năm 2023 đã phần nào vỗ về những lo lắng của cổ đông công ty sau chuỗi kinh doanh sa sút vì cạnh tranh và dịch bệnh.

Tuy nhiên với việc Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup - Phạm Nhật Vượng công bố thành lập CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) với quy mô đầu tư 10.000 ô tô và 100.000 xe máy, hoạt động với 2 mảng chính là taxi điện và cho thuê ô tô - xe máy điện (GSM đi vào hoạt động ngay trong tháng 4 tại Hà Nội), bài toán chuyển đổi, thích ứng và cạnh tranh thị phần đối với VNS tiếp tục trở nên quan trọng và cấp thiết.

Vinasun dù đã chiến thắng và tồn tại song song với Grab trong giai đoạn khó khăn đã qua song nếu phải đối đầu với GSM - một gương mặt "non trẻ" được hậu thuẫn bởi hệ sinh thái khổng lồ của Tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng, cách xoay sở và thoát khỏi chiếc bóng của "người khổng lồ" là một bài toán không hề dễ giải.

GSM tới đây sẽ "tiến công" thị trường phía Nam - nơi Vinasun đã đánh dấu sự hiện diện cả chục năm về trước. Chưa kể đến xu hướng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện - thứ GSM sẵn có cũng đẩy Vinasun vào một công cuộc cải cách mới, một chiến lược đường dài để tìm hướng đi tối ưu.

Liên quan đến vấn đề này, tại ĐHCĐ thường niên mới đây, cổ đông hỏi: "Vinfast tham gia thị trường sẽ ảnh hưởng thế nào tới Vinasun?"

Theo Tổng Giám đốc Trần Anh Minh: "Chắc chắn, bất kỳ hoạt động kinh doanh nào khi có thêm đối thủ cạnh tranh đều sẽ có tác động đến thị phần. Tuy nhiên Vinasun đã có kinh nghiệm từ 2015 - 2016 khi các đối thủ như Grab, Uber xuất hiện. Phương hướng xuyên suốt của công ty là đặt khách hàng lên hàng đầu.

Taxi điện chỉ là một phương tiện, không phải mô hình kinh doanh. Đối với taxi, khách hàng cần sự nhanh chóng, tiện lợi, an toàn, có app, tổng đài để phục vụ họ một cách nhanh nhất. Với sự xuất hiện của xe điện, Vinasun chắc chắn cần phải cải thiện, đó là lý do chúng tôi đầu tư nhiều xe mới trong năm nay.

Thời điểm 31/12/2022, Vinasun đang sở hữu 2.620 xe, số lượng nhân sự là 2.013 người và mức thu nhập bình quân đạt 12,2 triệu đồng/người/tháng (không cao so với mức đề xuất hưởng lương cứng 11 triệu đồng và 25% hoa hồng của tài xế GSM).

Công ty dự kiến đầu tư khoảng 700 chiếc xe mới trong năm 2023 (gồm 230 xe 4 chỗ và 470 xe 7 chỗ)

Việc nghiên cứu, tiếp cận và kinh doanh xe điện là một chỉ tiêu công ty hướng tới trong năm nay.

Với một doanh nghiệp vận tải taxi, cần phải đánh giá mọi tính khả thi ở mọi phương diện khi đưa một phương tiện vào kinh doanh. Một công ty như Vinasun phải quan tâm đến 4 lĩnh vực: Chi phí đầu tư; chi phí vận hành; chi phí bảo dưỡng, phụ tùng và giá xe khi thanh lý và tính thanh khoản.

Hiện nay, có nhiều câu chuyện đang so sánh giữa vận tải xe xăng và điện song với Vinasun, điện chỉ là một phần, còn phải tính toán đến chi phí pin; phải tính toán giữa xăng và pin, điện.

Điều thứ 2 phải cân nhắc là chi phí thời gian, chi phí cơ hội đối với một chiếc xe khi vận hành. Cụ thể là thời gian chờ đợi sạc điện để lưu hành và tính sẵn sàng sạc điện. Khi cung và cầu của các trạm sạc thay đổi trong tương lai, khi xe điện có xu hướng gia tăng, vị trí và tính phổ biến của các trạm sạc sẽ cực kỳ quan trọng. Chúng tôi phải tính được hiệu suất thời gian, chi phí cơ hội của anh em lái xe với hoạt động này. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tính khả thi và chắc chắn sẽ tìm kiếm cơ hội để triển khai".

Cổ đông hỏi: "Các ứng dụng gọi xe như Grab, Gojek… vẫn đang cạnh tranh với VNS. Ảnh hưởng của nhóm này tới hoạt động kinh doanh 2023 là như thế nào?"

Ông Minh cho rằng: "Việc cạnh tranh với họ là điều thường xuyên và liên tục. Khi đến một giai đoạn, ưu và nhược điểm của một mô hình sẽ bộc lộ. Tôi chia sẻ, chỉ có Vinasun có khả năng tái đầu tư vào xe mới trong năm 2022. Vinasun App ghi nhận lượng khách tăng gấp 5,6 lần. Hiện tại khách hàng sử dụng dịch vụ Vinasun đều thấy hài lòng trên mọi phương diện.

Hệ thống của chúng ta không quản lý xe chạy trên app mà quản lý từng cuốc xe trên đường dù khách hàng vẫy xe hay gọi qua tổng đài, app. Vinasun App là tâm huyết của Việt Nam, sử dụng bản đồ của Việt Nam. Có thể có những thứ không bằng nhưng với nền tảng của người Việt Nam, chắc chắn sẽ được cập nhật, bổ sung các khiếm khuyết sau này.

Sao Mai (ASM): Doanh thu bất động sản quý 1 giảm 72%, nợ vay vượt mốc 10.000 tỷ đồng

Chứng khoán phiên sáng 4/5: HVN “tím lịm” trắng bên bán; nhóm điện “bừng sáng” sau tin tăng giá

Thủy sản Camimex (CMX): Doanh thu giảm mạnh 3 quý liên tiếp, lỗ tỷ giá tăng cao

Bài thuộc chủ đề Vận tải, kho bãi
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dai-lo-vinasun-vns-bang-qua-o-ga-lai-la-o-voi-181454.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
"Đại lộ" Vinasun (VNS): Băng qua "ổ gà"... lại là "ổ voi"
POWERED BY ONECMS & INTECH