Mới đây, Bộ Công Thương đã giao 10 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, trong quý II/2022 phải bổ sung thêm 2,4 triệu tấn nhiên liệu.
Hôm qua 1/3 là ngày điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Giá xăng tiến sát ngưỡng 27.000 đồng/lít. Nhìn lại, cách đây chỉ các đây 1 tuần thôi, đã có những tình huống dở khóc dở cười như chỉ được đổ 30.000 đồng nên giữa đường đã phải dắt bộ vì hết xăng, thậm chí, một số cây xăng cũng không bán dù trong bồn vẫn còn xăng.
Sau công điện 160 của Thủ tướng Chính phủ và công điện 517 của Bộ Công Thương về đảm bảo cung ứng xăng dầu trong nước, hàng loạt các cuộc thanh kiểm tra đột xuất được triển khai trên cả nước đến 16.200 đại lý và cửa hàng xăng dầu bán lẻ. Qua đó, nhiều chế tài mạnh đã được thực thi
Ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. HCM cho biết: ".Nếu lỗi cây xăng, chúng tôi sẽ đề xuất rút giấy phép, nếu lỗi ở phía thương nhân và doanh nghiệp đầu mối, sẽ lập biên bản, phạt nghiêm và đề xuất cấp trên rút giấy phép".
Như vậy, để xăng dầu không thiếu tại 16.200 đại lý và cửa hàng bán lẻ, xăng dầu phải đầy đủ tại 300 nhà phân phối. Nhưng trước đó phải có đủ xăng tại 35 doanh nghiệp đầu mối trên cả nước.
Để đảm bảo lượng cung còn thiếu hụt từ sản xuất trong nước, 10 doanh nghiệp đã được giao lượng nhập khẩu ngay trong quý 2 là thêm 2,4 triệu tấn được nhập khẩu liên tục rải đều trong các tháng đến giữa năm. Doanh nghiệp đã triển khai những giải pháp gì đảm bảo chỉ tiêu nhập khẩu đã được giao và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex là đơn vị được Bộ Công Thương giao sản lượng nhập khẩu lớn nhất, chiếm tới gần 1 nửa tổng sản lượng giao cho cả 10 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi đã rà soát lại những hợp đồng mà chúng tôi đã kí kết ngay từ đầu năm, tức là từ trước khi có sự chỉ đạo của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục kí kết những hợp đồng mới, để phù hợp với chỉ tiêu và sản lượng mà Bộ Công Thương đã quy định cho chúng tôi phải nhập khẩu. Chúng tôi đảm bảo rằng sẽ đạt và vượt chỉ tiêu mà Bộ Công Thương giao cho Petrolimex trong quý 2 của năm 2022".
Giá xăng bán lẻ tăng cao tại nhiều quốc gia
Nguồn cung xăng dầu đã đảm bảo không thiếu, nhưng có một thực tê là giá xăng dầu trong nước chỉ từ đầu năm cho đến nay đã tăng khoảng 21%. Tuy nhiên, nếu nhìn vào giá dầu thế giới cũng trong khoảng thời gian này còn tăng đến gần 30%.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Ô tô Mỹ, giá bán lẻ xăng bình quân trên toàn quốc tính đến cuối tuần qua là hơn 3,5 USD cho 1 gallon, tức khoảng 92 cent cho 1 lít (tương đương gần 22 nghìn đồng), tăng 5% so với đầu tháng 1/2022 và tăng hơn 39% so với đầu năm 2021. Cơ quan này cũng dự báo giá xăng bán lẻ ở Mỹ có thể vượt 4 USD/gallon thời gian tới.
Tại Bỉ, giá xăng cũng tăng cao chưa từng thấy, giá xăng bán lẻ E95 tại nước này là 1,66 Euro/lít (tức khoảng gần 45 nghìn đồng/lít).
Tại Hà Lan, giá xăng thậm chí còn cao hơn, 2,16 Euro/lít, tức khoảng 56 nghìn đồng Việt Nam.
Các nước như Iceland, Nauy, Phần Lan, Đan Mạch, giá xăng hiện đều ở ngưỡng 50 nghìn đồng/lít.
Tại châu Á, giá xăng bán lẻ tại Australia đã tăng 30% kể từ đầu tháng 1/2021, hiện ở mức 1,3 USD/lít (hơn 30 nghìn đồng).
Trong khi Nhật Bản, con số này tăng 10,5%. Giá xăng tại Nhật Bản là 168 yên/lít (hơn 33 nghìn đồng).
Tại Đông Nam Á, giá xăng bán lẻ tại Thái Lan cũng tăng 35%, từ mốc 1 USD/lít vào tháng 1/2021 lên 1,35 USD/lít (gần 32 nghìn đồng) vào tuần qua.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và cũng là đầu vào quan trọng cho nhiều ngành nghề kinh tế khác. Trước những ảnh hưởng từ diễn biến giá dầu thế giới, nhất là những bất ổn về địa chính trị và các đầu mối xăng dầu trên thế giới đều có xu hướng dự trữ nguồn hàng, đây sẽ bài toán mà các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng sẵn sàng chuẩn bị các kịch bản để trong mọi tình huống, nguồn cung xăng dầu trong nước luôn được đảm bảo, từ đó, góp phần bình ổn giá đầu vào cho mọi lĩnh vực. Đặc biệt trong bối cảnh, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng cùng các chương trình hành động tổng thể để phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch.