Trong báo cáo ngành phân bón cập nhật mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa khuyến nghị khả quan với cổ phiếu DCM từ mức giá 26.700 đồng/cp.
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau - PVCFC (HOSE: DCM) vừa cập nhật kết quả kinh doanh ước tính năm 2022.
Cụ thể, DCM ước sản lượng sản xuất urê quy đổi ước đạt 914.380 tấn; sản lượng tiêu thụ urê ước đạt 820.570 tấn. Nhà máy Đạm Cà Mau cán mốc sản lượng 9 triệu tấn ure.
Theo đó, tổng doanh thu năm 2022 của DCM ước đạt hơn 15.000 tỷ đồng, đây là mức doanh thu cao nhất của doanh nghiệp phân bón này kể từ khi hoạt động.
Trước đó, theo báo cáo tài chính, 9 tháng đầu năm 2022, DCM mang về 11.466 tỷ đồng doanh thu thuần, 3.272 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt 90% và 298% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 9.049 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 513 tỷ đồng. Kết thúc quý 3/2022, DCM đã hoàn thành vượt 27% kế hoạch doanh thu và gấp 6,3 lần chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Theo đánh giá của Ban lãnh đạo, trong năm qua, Đạm Cà Mau đã chủ động ứng phó với diễn biến của thị trường, biến động giá dầu, thị trường trong nước và thế giới; triển khai và thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, tiêu thụ, doanh thu, lợi nhuận với sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng.
Thông tin có liên quan, trong báo cáo ngành phân bón cập nhật ngày 17/11, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa khuyến nghị khả quan với cổ phiếu DCM từ mức giá 26.700 đồng/cp.
Cụ thể, VCSC điều chỉnh tăng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2022/2023 của Đạm Cà Mau (DCM) thêm 19%/11%, chủ yếu do tác động tích cực của tỷ giá USD/VND cao hơn đối với giá bán urê tính bằng VND đồng thời tăng dự phóng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024 - 2026 lên khoảng 8%.
Theo VCSC, năng lực tài chính của DCM vững chắc với lượng tiền mặt ròng là 307 triệu USD và tỷ lệ tiền mặt ròng/vốn chủ sở hữu là khoảng 71%, điều này sẽ hỗ trợ cổ tức tiền mặt dự kiến là 1.800-2.000 đồng/cp (lợi suất 7,3%) trong giai đoạn 2022-2027.
Nhóm phân tích cho rằng định giá của DCM là hấp dẫn với P/E dự phóng 2022/2023/2024F là 3,6/5,9/7,2 lần - thấp hơn khoảng 69%/49%/38% so với P/E trượt trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực.
Tuy nhiên, rủi ro đối với quan điểm trên là giá urê toàn cầu giảm nhiều hơn dự kiến; giá dầu nhiên liệu và chi phí khí đầu vào trong nước cao hơn dự kiến.
Đạm Cà Mau (DCM) 'bắt tay' công ty hóa dầu lớn nhất Trung Quốc nâng công suất nhà máy
Đạm Cà Mau ‘bắt tay' tập đoàn hoá dầu Trung Quốc, chi 700 triệu USD xây thêm nhà máy