Quốc tế

Đằng sau đợt biến động trong quân đội Trung Quốc

Bắc Hiệp Theo Reuters 31/12/2023 - 12:40

Các nhà phân tích cho biết, việc 9 tướng lĩnh Trung Quốc mới đây bị khai trừ khỏi quốc hội đã cho thấy vấn nạn tham nhũng có thể làm chậm tham vọng hiện đại hóa quân đội của nước này, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.

Đằng sau đợt biến động trong quân đội Trung Quốc

Mới đây, truyền thông Trung Quốc thông báo 9 sĩ quan quân đội cao cấp đã bị khai trừ khỏi quốc hội, một động thái thường dẫn đến những hình phạt tiếp theo đối với những quan chức mắc sai phạm.

Nhiều sĩ quan trong số này đến từ Quân chủng Tên lửa, vốn là một đơn vị chủ chốt của phụ trách giám sát kho tên lửa hạt nhân của quân đội Trung Quốc.

Chính quyền Bắc Kinh nhiều năm gần đây đã chi hàng tỷ USD vào việc mua và phát triển thiết bị tên lửa như một phần trong nỗ lực hiện đại hóa nhằm xây dựng quân đội “đẳng cấp thế giới” vào năm 2050, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đang ngày càng phình to và nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, những vụ sai phạm được công bố gần đây trong quân đội Trung Quốc đã khiến dư luận hoài nghi và đặt ra câu hỏi liệu chính quyền ông Tập Cận Bình có cơ chế giám sát kỹ lưỡng đối với các khoản đầu tư quân sự khổng lồ.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiến hành một cuộc trấn áp chống tham nhũng trên diện rộng đối với các quan chức trong các hệ thống đảng, chính quyền và quân đội.

Chín tướng lĩnh PLA bị loại khỏi quốc hội đều thuộc một số sư đoàn. Ba người là cựu chỉ huy hoặc phó chỉ huy Quân chủng Tên lửa; một người là cựu Tư lệnh Không quân và một người là tư lệnh Hải quân chịu trách nhiệm về Biển Đông. Bốn sĩ quan khác chịu trách nhiệm về quân trang.

Chính quyền Bắc Kinh không giải thích về động thái này. Một số nhà phân tích cho rằng có bằng chứng cho thấy Quân chủng Tên lửa đã có sai phạm trong việc mua sắm thiết bị.

Phó giáo sư Alfred Wu từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, dự đoán sẽ còn nhiều sĩ quan bị vướng vào cuộc điều tra liên quan tới Quân chủng Tên lửa.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa từ lâu đã không xuất hiện trước công chúng. Khi được hỏi về tình hình của ông Ngụy, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết vào tháng 8 rằng quân đội không khoan nhượng với hành vi tham nhũng.

Người kế nhiệm Ngụy, tướng Lý Thượng Phúc cũng đột ngột bị cách chức vào tháng 10 mà không có lời giải thích. Trước đây ông từng đứng đầu bộ phận thiết bị của Quân chủng Tên lửa. Một trong những cấp phó của ông Lý cũng đã bị tước tư cách đại biểu quốc hội vào thứ Sáu tuần này.

Cùng ngày, ông Đổng Quân, một cựu tư lệnh Hải quân Trung Quốc và có hiểu biết về Biển Đông, được chỉ định làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Các nhà phân tích cho rằng mặc dù vấn nạn tham nhũng trong quân đội Trung Quốc vẫn tồn tại, nhưng quy mô của cuộc trấn áp mới nhất và sự việc tại Quân chủng Tên lửa là điều đáng kinh ngạc.

Dennis Wilder, thành viên cấp cao của tổ chức Sáng kiến Đối thoại Mỹ-Trung về các vấn đề toàn cầu của Đại học Georgetown (Mỹ), cho biết: “Đơn vị này có quy trình kiểm tra nghiêm ngặt nhất đối với các sĩ quan cấp cao, do tầm quan trọng của việc phụ trách vũ khí hạt nhân của Trung Quốc”.

Các nhà phân tích cho rằng việc thanh trừng các sĩ quan cấp cao có thể khiến Quân chủng Tên lửa tạm thời suy yếu cho đến khi ông Tập Cận Bình ổn định được trật tự trong quân đội.

Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington D.C., nhận định: “Lực lượng hạt nhân chiến lược là thứ mà Trung Quốc dựa vào như điểm mấu chốt của an ninh quốc gia”.

“Sẽ mất một thời gian để Trung Quốc dọn dẹp mớ hỗn độn và khôi phục niềm tin vào năng lực cũng như độ tin cậy của Quân chủng Tên lửa. Điều đó có nghĩa là vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang ở thế yếu hơn”, vị chuyên gia cho biết.

Về lâu dài, các nhà phân tích dự đoán vấn đề tham nhũng kinh niên sẽ tiếp tục tồn tại trong quân đội Trung Quốc vì một số nguyên nhân sâu xa, bao gồm đãi ngộ thấp dành cho sĩ quan và sự thiếu minh bạch trong chi tiêu quân sự, vẫn chưa được giải quyết.

Startup xe điện Trung Quốc: Founder được mệnh danh là ‘Elon Musk thứ 2’, doanh số ngang Tesla, BYD nhưng mỗi chiếc xuất xưởng lỗ nặng gần 300 triệu đồng

Trung Quốc thử nghiệm thiết bị sản xuất ethanol lớn nhất thế giới, công suất 600.000 tấn mỗi năm

Trung Quốc sẽ triển khai mạng lưới mới 12 nghìn vệ tinh Internet trên quỹ đạo

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/dang-sau-dot-bien-dong-trong-quan-doi-trung-quoc-post142071.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Đằng sau đợt biến động trong quân đội Trung Quốc
POWERED BY ONECMS & INTECH