Việc tổ chức đánh giá chất lượng các Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ cung cấp dịch vụ công online của các bộ, ngành, địa phương dự kiến sẽ được Bộ TT&TT thực hiện từ ngày 5/4 đến hết tháng 6/2024.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến
Liên tục trong nhiều cuộc họp của Bộ TT&TT có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, địa phương từ khoảng cuối năm ngoái đến nay, lãnh đạo Bộ đều nhấn mạnh rằng thúc đẩy triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình và thực chất là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024.
Trong phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành TT&TT diễn ra cuối năm ngoái, chỉ rõ ‘Năm 2024 là năm dịch vụ công trực tuyến phải toàn trình và thực chất’, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã lý giải cụ thể: Dịch công trực tuyến toàn trình tức là phải được làm từ xa, từ nhà, người dân không đến nộp hồ sơ tại trung tâm một cửa. Dịch vụ công trực tuyến thực chất thì ít nhất phải có 70% người dân sử dụng.
“Năm 2023, chúng ta đã làm được một số dịch vụ công trực tuyến toàn trình và thực chất, thậm chí có đến 95% người dân sử dụng, tạo niềm tin và quyết tâm cho chúng ta làm mạnh mẽ trong năm 2024, để kết thúc giai đoạn Chính phủ điện tử và thực sự bắt đầu giai đoạn Chính phủ số ở Việt Nam”, người đứng đầu ngành TT&TT nhận định.
Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT), hiện tất cả các bộ, tỉnh đều đã ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần. Tính đến ngày 20/3, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến trên tổng số thủ tục hành chính của cả nước là 80,44%; Hơn 47,7% là tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của người đứng đầu trong việc triển khai chuyển đổi số nói chung và tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng, Bộ TT&TT mới đây đã đề nghị thủ trưởng các bộ, ngành cùng bí thư tỉnh/thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo một số việc để thúc đẩy hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Cụ thể, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương được đề nghị chỉ đạo đơn vị quản trị, vận hành và đơn vị cung cấp giải pháp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia để kết nối toàn diện hệ thống này với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC) của Bộ.
Bên cạnh đó, chỉ đạo đơn vị quản trị, vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và các đơn vị có liên quan rà soát, nâng cao chất lượng của hệ thống. Bộ TT&TT dự định tổ chức đánh giá chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, tỉnh trong thời gian từ ngày 5/4 đến ngày 30/6.
Sẽ công bố chất lượng các hệ thống giải quyết thủ tục hành chính năm 2024
Việc đánh giá, xếp hạng và công bố kết quả đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh theo định kỳ và đột xuất là một nhiệm vụ của Cục Chuyển đổi số quốc gia, đã được quy định tại Thông tư 21 năm 2023 của Bộ TT&TT về chức năng, tính năng kỹ thuật của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, ngày 3/4, Bộ TT&TT đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh năm 2024. Bộ tiêu chí bao gồm 6 nhóm đánh giá về: Chức năng; Cấu trúc, bố cục; Hiệu năng; An toàn thông tin; Khả năng truy cập thông tin thuận tiện; Kết nối với hệ thống EMC, với tổng điểm là 100.
Kết quả đánh giá chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương được chia thành 5 mức độ A, B, C, D, E với điểm số giảm dần; trong đó mức A là những hệ thống có tổng điểm từ 90 đến 100; và mức E là các hệ thống có tổng điểm dưới 50.
Cũng nhằm cải thiện chất lượng và hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, trong các tháng đầu năm nay, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Chuyển đổi số quốc gia đã tiếp tục tập trung đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp để tăng tỷ lệ sử dụng, đồng thời đảm bảo các dịch vụ dễ sử dụng, thân thiện với người dùng hơn.
Song song đó, trong năm nay, Bộ TT&TT còn xây dựng dự thảo đề án trình Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến giai đoạn 2024 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đề án này dự kiến sẽ tập trung thúc đẩy công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, đào tạo kỹ năng số về cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp.
Mục tiêu đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương về cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong năm 2024 là đưa tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đạt 50%. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước cần có mức độ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp đạt tối thiểu 90%. |