Cơ cấu cổ đông cô đặc không đáp ứng điều kiện về tỷ lệ sở hữu của cổ đông thiểu số, thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp đã thông qua phương án hủy đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch đối với 81,6 triệu cổ phiếu NNG của CTCP Công nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Ngọc Nghĩa (Nhựa Ngọc Nghĩa) từ ngày 25/7 do công ty hủy tư cách công ty đại chúng.
NNG tiền thân là công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Ngọc Nghĩa (thành lập năm 1993) hoạt động tập trung ở lĩnh vực sản xuất bao bì nhựa cao cấp. Đây cũng là đối tác lâu nắm cung cấp bao bì nhựa cho nhiều tên tuổi lớn như Unilever, Coca-Cola, Pepsi, Vinamilk.
Tháng 4/2022, chi nhánh tại Hà Lan của Tập đoàn Indorama Ventures (Thái Lan) là Indorama Netherlands B.V đã chào mua công khai 100% cổ phần của NNG và thành công mua được gần 78 triệu cổ phiếu, nắm chi phối 97,82% vốn. Việc thâu tóm NNG được đại diện Indorama Ventures đề cập như bàn đạp để tiến công thị trường châu Á - Thái Bình Dương sau khi đã mở rộng tại Mỹ và châu Âu.
Năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu kỷ lục 2.302 tỷ và lợi nhuận sau thuế 16,6 tỷ đồng. Năm nay, NNG lên kế hoạch doanh thu thuần 2.462 tỷ đồng và lãi ròng 143 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và hơn 750% so với năm trước.
Phiên sáng 6/7, cổ phiếu NNG tăng trần lên mức 15.000 đồng/cp.
Điểm mặt 7 cái tên khác...
Do cơ cấu cổ đông cô đặc không đáp ứng điều kiện về tỷ lệ sở hữu của cổ đông thiểu số, thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp đã thông qua phương án hủy đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán trong đó:
- CTCP Cơ điện Thủ Đức (Mã EMC - HOSE) cho biết sẽ rời sàn chứng khoán từ ngày 21/7 sau khi hủy tư cách công ty đại chúng; số lượng cổ phiếu là gần 15,3 triệu đơn vị;
- CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (Mã KHA - UPCoM) sẽ hủy đăng ký giao dịch đối với 14,1 triệu cổ phiếu từ ngày 10/7 do hủy tư cách công ty đại chúng;
- CTCP Cấp nước Hà Tĩnh (Mã HTW - UPCoM) hủy đăng ký giao dịch 20,4 triệu cổ phiếu từ ngày 13/7 với lý do tương tự;
- CTCP Cấp nước tỉnh Lào Cai (Mã LWS - UPCoM) - một doanh nghiệp cấp nước khác sẽ hủy đăng ký giao dịch hơn 17,7 triệu cổ phiếu từ ngày 7/7 do không còn là công ty đại chúng;
- CTCP Cảng Cửa Việt (Mã CVP - UPCoM) hủy đăng ký giao dịch đối với 3,42 triệu cổ phiếu từ ngày 12/7 do đây là doanh nghiệp cổ phần hóa không phải công ty đại chúng và đã có yêu cầu hủy đăng ký chứng khoán tại VSD.
Mới nhất ngày 4/7, 4 triệu cổ phiếu của CTCP Xuất nhập khẩu Đồng Nai (Mã IED) cũng đã tạm biệt sàn chứng khoán do công ty hủy tư cách công ty đại chúng.
Cái tên đáng chú nhất có lẽ là CTCP Thiết bị điện - Thibidi (Mã THI - HOSE) khi ngày 6/7 tới đây, 48,8 triệu cổ phiếu THI sẽ rời sàn chứng khoán khi doanh nghiệp hủy tư các công ty đại chúng. Thibidi hiện là công ty con cấp 2 của Tập đoàn Gelex (Mã GEX - HOSE).
Trước thềm ĐHCĐ thường niên 2023, căn cứ theo danh sách cổ đông do VSD cấp ngày 16/3, Thibidi chỉ có 8,78% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do 485 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ. Thêm vào đó, công ty định hướng tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh trong thời gian tới nên muốn hủy tư cách công ty đại chúng và hủy niêm yết cổ phiếu.
Trước đó ngày 28/2, CTCP Điện lực Gelex (Gelex Electric - Mã GEE) - công ty con cấp 1 của Tập đoàn Gelex đã chào mua thành công hơn 250.000 cổ phiếu THI từ 8 nhà đầu tư qua đó nâng lượng cổ phiếu THI nắm giữ lên gần 44,59 triệu đơn vị, tương ứng 91,39% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Về kết quả kinh doanh, trong giai đoạn cơ cấu sản xuất tập trung, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm dần từ mức 321 tỷ đồng năm 2017 về 160 tỷ năm 2020 trước khi giảm còn 44,2 tỷ năm 2022.
Xem thêm: Cổ phiếu họ APEC "đánh úp" cổ đông, HPG áp sát mốc 27.000 đồng
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo hai cổ phiếu có khả năng bị hủy niêm yết
Phát triển thị trường trái phiếu riêng lẻ: cần minh bạch, lành mạnh từ “móng”