Đánh thuế bất động sản: Ai lợi, ai thiệt?

11-03-2022 14:46|Quang Huy

Nhà tiền tỷ hay túp lều cũng là nhà, là tài sản của người dân. Khi áp dụng chính sách thu thuế bất động sản (bao gồm việc đánh thuế với nhà và tài sản) việc đảm bảo trách nhiệm và lợi ích của các đối tượng chịu tác động là vô cùng quan trọng.

Từ nay đến trước 15/4/2022, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sâu rộng trong các bộ, ngành và địa phương về đề xuất đánh thuế tài sản, thuế bất động sản.

Một trong những hướng đánh thuế tài sản đang thu hút sự quan tâm là sẽ đánh thuế từ căn nhà thứ 2 trở lên, bởi Luật thuế tài sản nếu được thông qua sẽ tác động không nhỏ tới hầu hết các hộ gia đình.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ từng là người rất ủng hộ đánh thuế tài sản. Ông ước chừng, cơ quan quản lý Nhà nước đã có khoảng 5 lần đưa ra đề xuất này nhưng sau đó nhận những phản ứng trái chiều, thiếu sự đồng thuận nên đến nay vẫn chưa triển khai được.

Theo một số nội dung của dự Luật thuế tài sản từng được Bộ Tài chính lấy ý kiến, sẽ đánh thuế với nhà nhưng ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng. Phần giá xây dựng nhà tính thuế trên 700 triệu đồng có thuế 0,4%...

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, với đầu tư kinh doanh bất động sản, hiện Nhà nước đã đánh thuế đầu vào như tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế chuyển nhượng, phí trước bạ... các chi phí đầu vào này đều được tính vào giá nhà ở.

Xét trong bối cảnh hiện nay, nguồn cung bất động sản bị hạn chế do ách tắc pháp lý, thi công bởi dịch bệnh, trong khi nhu cầu mua nhà ở thực vẫn rất lớn đã khiến giá bán các phân khúc tăng cao một cách chóng mặt. Chưa kể, trên thị trường có hàng loạt các chiêu trò thổi giá đẩy mặt bằng chung lên cao càng đẩy người mua vào thế khó.

Để sở hữu một tài sản là bất động sản dù tự xây hay đi mua hiện nay cũng đều cần một số tiền rất lớn. Nếu vẫn theo dự thảo Bộ Tài chính xin ý kiến năm 2018 thì nhiều người dân sẽ bị đánh thuế, bởi giá xây dựng nhà dưới 700 triệu đồng giờ không nhiều.

thue-nha-o.jpg
'Bất động sản có nhiều loại thuế. Vì vậy, khi ban hành thêm một sắc thuế mới, cần được đánh giá rất kỹ tác động tới thị trường" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh. 

Có nhiều ý kiến kiến nghị đánh thuế tài sản để giảm đầu cơ, nhưng hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định tỷ lệ đầu cơ là bao nhiêu, có đáng kể so với nhu cầu thực.

Bộ Tài chính vừa xin ý kiến nhưng chỉ nói tên đầu luật, còn cụ thể thế nào chưa nói. Vì vậy, việc giá nhà cao do thiếu cung nhưng lại đi đánh thuế tài sản vào nhà có giá trị trên 700 triệu đồng của người dân thì sợ... trật. 

Theo ông Đặng Hùng Võ, vấn đề bây giờ là cần “bắt đúng bệnh để chữa”. Luật Đất đai và Luật Quy hoạch Đô thị là phần gốc, còn việc đánh thuế là phần ngọn. Nếu chỉ tập trung vào phần ngọn trong khi phần gốc rễ vẫn “nằm yên” thì khó có thể giải quyết được vấn đề. Do đó, muốn giá nhà giảm, thị trường bớt tăng “nóng” và đánh thuế đúng, cần sớm sửa hai luật trên.

Còn đánh thuế nhà thứ 2 là có sự tham khảo mô hình từ thị trường Singapore, nhưng đang bị dập khuôn, chưa thấu đáo. Bởi, cách quy hoạch và quản lý nhà ở hai nước hoàn toàn khác nhau. Nếu ở Singapore nhà thứ nhất và nhà thứ 2 hầu như không có nhiều cách biệt thì ở Việt Nam rất khó định nghĩa về nhà thứ 2. Nhà 200 tỷ đồng cũng là nhà, một mái ngói lụp xụp cũng là nhà. Vậy tính toán thế nào để đảm bảo công bằng khi tính thuế ?!

Chưa kể, tại Việt Nam, việc minh bạch tài sản chưa được làm rõ nên cũng khó có cơ sở để thực hiện như kỳ vọng. Những người giàu vẫn có trăm phương ngàn kế để "lách", để người khác đứng tên tài sản… Điều này rất cần được chú tâm.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng khẳng định: “Hiện Bộ chưa có số liệu thống kê số người có nhà ở thứ 2 trở lên”.

Theo một số chuyên gia, bình quân diện tích nhà ở trên đầu người tại Việt Nam chưa cao. Vấn đề cần được tính toán là giá nhà đất tại Việt Nam có phải tăng do đầu cơ là nguyên nhân chính không. Nếu đánh thuế thì dễ thuế chồng thuế, tất cả lại cộng dồn vào cho người tiêu dùng cuối cùng phải chịu.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị nên xây dựng chính sách thuế theo hướng: Kể cả với nhà ở trên 700 triệu hay căn thứ 2, nếu người dân mua để làm xưởng sản xuất, kinh doanh, trường mầm non, nhà ở cho công nhân... thì Nhà nước cũng cần khuyến khích.

Nhà giàu ôm đất, tràn lan khu đô thị 'ma', nên đánh thuế người có nhiều nhà đất?

Nhức nhối chuyện 'găm hàng' chờ thời: Cần đánh thuế bất động sản để tránh các cơn 'sốt đất'

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/danh-thue-bat-dong-san-ai-loi-ai-thiet-123312.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Đánh thuế bất động sản: Ai lợi, ai thiệt?
POWERED BY ONECMS & INTECH