Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu đánh thuế bất động sản bỏ hoang
Chính phủ đưa ra chỉ đạo yêu cầu nghiên cứu đánh thuế đối với bất động sản bỏ hoang, chậm triển khai tại cuộc họp với các Bộ, ngành để phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững.
Hàng loạt các dự án bất động sản bỏ hoang gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đang là một trong những thực tế tồn tại nhiều năm qua.
Giữa bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm, việc bỏ hoang các công trình không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường bất động sản.
Tại cuộc họp với Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp bất động sản (BĐS), kết nối trực tuyến với một số địa phương về tình hình thị trường BĐS những tháng đầu năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đưa ra chỉ đạo cụ thể.
> > Giải mã cơn sốt đất quy hoạch: Cửa sáng đầu tư hay cái bẫy sau khi sáp nhập tỉnh?

Theo đó, kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định: Dù thị trường bất động sản đã xuất hiện những tín hiệu phục hồi hậu đại dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chưa đạt kỳ vọng so với thời kỳ trước, gây ảnh hưởng lan tỏa đến toàn bộ hệ sinh thái đầu tư và kinh doanh liên quan.
Một trong những nội dung đáng chú ý được Phó Thủ tướng nêu là đề xuất nghiên cứu chính sách thuế với đất hoang hóa và các dự án chậm triển khai. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc xây dựng chính sách cần được thực hiện một cách toàn diện, tránh tác động tiêu cực đến người dân sử dụng nhà, đất hợp pháp. Mục tiêu là phân biệt rạch ròi giữa đầu cơ và sử dụng thực, giữa kinh doanh chính đáng và hành vi để đất hoang phí tài nguyên.
Trước đó, trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ vào tháng 9/2024, Bộ Xây dựng đã đề xuất Bộ Tài chính xây dựng chính sách thuế nhằm hạn chế đầu cơ và tình trạng mua bán lướt sóng kiếm lời. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu thuế lũy tiến đối với nhà đất bỏ hoang, nhà đất thứ hai, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong nước và thông lệ quốc tế.
Cùng với đó, đề xuất đánh thuế 20% trên phần lãi từ giao dịch bất động sản cũng đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Theo quy định hiện hành tại Thông tư 92/2015/TT-BTC, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản đang được áp dụng theo mức 2% trên giá chuyển nhượng – tính theo giá hợp đồng hoặc giá do UBND cấp tỉnh quy định, tùy mức nào cao hơn.

Tuy nhiên, đề xuất mới của Bộ Tài chính hướng tới đánh thuế trên phần lãi thực - tức chênh lệch giữa giá bán và giá mua sau khi khấu trừ chi phí hợp lý – tương tự như cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn, mục tiêu của chính sách là tiến gần chuẩn mực quốc tế, đồng thời tối ưu hóa nguồn thu ngân sách. Dẫu vậy, ông cho rằng chính sách này, dù về lý thuyết có vẻ hợp lý, lại có thể gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế.
Cụ thể, với nhà đầu tư, lợi nhuận sau thuế sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế 20% cộng thêm chi phí môi giới 1–3%, khiến giá bán tăng và có thể dẫn đến tình trạng công chứng "hai giá", làm thất thu cho ngân sách.
Đối với người mua ở thực, ông Tuấn cảnh báo chính sách có thể khiến giá nhà tăng thêm, tạo thêm rào cản trong tiếp cận nhà ở, đặc biệt với những người chưa có nhà.
Do đó, ông nhấn mạnh: Chính sách thuế cần được thiết kế để khơi thông thị trường, tạo động lực phát triển thay vì cản trở giao dịch và làm giảm thanh khoản. Việc triển khai ở thời điểm hiện tại nếu thiếu cân nhắc, có thể khiến cả bên mua lẫn bên bán đều e ngại bước vào thị trường.
> > Bất động sản phía Nam 2025: Hồi phục trong sàng lọc, cơ hội chỉ dành cho người hiểu cuộc chơi
Đánh thuế 20% lãi chuyển nhượng bất động sản: Kỳ vọng chặn đầu cơ nhưng rủi ro gánh nặng sẽ… chờ ai?
Áp thuế 20% trên lãi chuyển nhượng BĐS: Minh bạch chi phí, nhưng chứng minh bằng gì?