Bất động sản

Đào hầm làm sập nhà hàng xóm phải bồi thường thiệt hại ra sao?

An Nhiên 24/11/2024 20:30

Trong trường hợp đào hầm, thi công xây dựng nhà ở mà làm sập nhà hàng xóm bên cạnh thì sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Việc thi công các công trình xây dựng gây ra đổ, sập nhà của hàng xóm không phải là sự việc hiếm.

Thời điểm đầu năm 2024, vụ việc một căn nhà 3 tầng tại số 117, đường Quy Hóa, phường Kim Tân, TP. Lào Cai bị đổ sập do hàng xóm thi công đào hầm đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Theo thông tin trên TTXVN, căn nhà bị đổ sập hoàn toàn là của ông Giàng Seo Páo. Căn nhà này có diện tích 100m2 với 5m rộng bám theo mặt đường Lý Công Uẩn.

Thời điểm đó, ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 700 triệu. Nguyên nhân ban đầu được xác định do nhà hàng xóm liền kề (số 119) đang trong quá trình thi công phần tầng hầm dẫn đến đổ sập căn nhà trên.

Chủ của công trình tại nhà số 119 là ông Nguyễn Văn Phúc. Công trình này có diện tích 100m2, trong đó có 20m dài bám theo đường Lý Công Uẩn, tiếp giáp với nhà số 117.

>> Lộ diện nhà ga cuối cùng của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Diện tích 17ha, vị trí đắc địa trên trục đường giao thông liên vùng

Đào hầm làm sập nhà hàng xóm phải bồi thường ra sao?
Hiện trường vụ sập nhà tại Lào Cai do hàng xóm đào hầm. Ảnh: Báo Nhân Dân

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Cường - Chủ tịch UBND phường Kim Tân, TP. Lào Cai, công trình nhà số 119 có Giấy phép xây dựng số 260, thời điểm đó đang thi công tầng hầm của công trình gồm 4 tầng nổi, cao 13,5m, đã gây sụt lún móng của nhà số 117 và làm đổ hoàn toàn ngôi nhà này.

Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Lào Cai cho biết, công trình nhà số 119 đã xin giấy phép xây lại nhà với thiết kế tầng hầm sâu 2,55m, được đào móng dưới Cos 0 là 3,95m.

Khi tiến hành đào móng nhà, đơn vị thi công đã gia cố bằng cách đóng một hàng cọc sát tường nhà bên cạnh nhưng vẫn không chịu nổi. Theo đánh giá của vị này, do địa chất phức tạp, kết cấu không tốt, thêm vào việc căn nhà số 117 xây dựng đã lâu, ít xi măng nên đã bị ảnh hưởng dẫn đến đổ sập.

Theo quy định, chủ công trình số 119, trong khi thi công đã gây thiệt hại cho công trình lân cận, phải bồi hoàn theo thỏa thuận giữa hai bên.

Đào hầm làm sập nhà hàng xóm phải bồi thường như thế nào?

Căn cứ theo Điều 589 Bộ Luật Dân sự 2015, quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, khi đào hầm xây nhà làm sập nhà người khác sẽ phải bồi thường thiệt hại tài sản cụ thể như sau:

- Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Đào hầm làm sập nhà hàng xóm phải bồi thường ra sao?
Khi thi công làm nhà, đào hầm mà làm sập nhà hàng xóm sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ảnh minh họa

Ngoài ra, Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định cụ thể về việc bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra.

Cụ thể, trong trường hợp đào hầm xây nhà làm sập nhà của người khác thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.

Ngoài ra, khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại cũng phải chịu liên đới bồi thường.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại khi đào hầm làm sập nhà người khác như thế nào?

Tại Điều 585 Bộ Luật Dân sự 2015, nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định như sau:

- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có những quy định khác.

- Trong trường hợp người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

- Trường hợp khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

>> Khách sạn muối duy nhất trên thế giới: Xây dựng từ một triệu khối muối, chống chọi thiên nhiên nhưng bất lực trước du khách

Chuyên gia: Thị trường trái phiếu xanh Việt Nam vẫn còn sơ khai

Siêu cường châu Á khởi động cỗ máy có khả năng tạo ra lực lớn gấp hàng nghìn lần lực hấp dẫn ở bề mặt Trái Đất

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dao-ham-lam-sap-nha-hang-xom-phai-boi-thuong-thiet-hai-ra-sao-261319.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đào hầm làm sập nhà hàng xóm phải bồi thường thiệt hại ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH