Sống

Đào miệng núi lửa 16 triệu năm, Mỹ phát hiện kho báu "vàng trắng" 1.500 tỷ đô lớn nhất thế giới, có thể làm thay đổi 1 điều của nhân loại

Quỳnh Châu 15/09/2023 - 17:33

Các nhà địa chất tin rằng họ vừa phát hiện mỏ "vàng trắng" lithium lớn nhất thế giới bên trong miệng núi lửa ở khu vực giáp ranh bang Nevada và Oregon của Mỹ.

Ước tính 20 - 40 triệu tấn lithium nằm trong miệng núi lửa hình thành cách đây 16 triệu năm. Trữ lượng này lớn hơn đáng kể so với mỏ lithium nằm dưới một cánh đồng muối ở Bolivia, trước đây được coi là mỏ lithium lớn nhất thế giới, Futurism hôm 10/9 đưa tin.

Phân tích tại chỗ hé lộ một lớp đá phiến sét khác thường cấu tạo từ khoáng vật illite, chứa 1,3 - 2,4% lithium trong miệng núi lửa. Con số này cao gần như gấp đôi lượng lithium có trong khoáng vật đất sét thường chứa lithium là magie smectite - loại khoáng vật phổ biến hơn illite.

Đào miệng núi lửa 16 triệu năm, Mỹ phát hiện kho báu
Các lớp đá phiến sét chứa lithium ở hõm chảo McDermitt. Ảnh: Chris Henry.

Các chuyên gia cho biết, thực tế một số điều kiện bất thường đã góp phần hình thành mỏ lithium mới. Miệng núi lửa được gọi là hõm chảo McDermitt đã xuất hiện cách đây 16,4 triệu năm khi có khoảng 1.000 km3 magma phun trào ra bên ngoài. Miệng núi lửa này có chứa đầy các vật liệu phun trào từ magma, chẳng hạn như kali, natri, lithium, clo và boron. Những vật liệu này nhanh chóng nguội đi và tạo thành đá núi lửa có nhiều tinh thể mịn, bị phong hóa dẫn tới sự tích tụ của các hạt giàu lithium.

Sau đó, có một hồ nước được hình thành trong miệng núi lửa và nó tồn tại trong hàng trăm nghìn năm. Kể từ đó, vật chất núi lửa cũng bị phong hóa ở xung quanh và dẫn tới sự hình thành của lớp trầm tích đất sét tại đáy hồ. Đặc biệt, phân tích mới của các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, sau khi hồ nước này bị khô cạn, có một vụ phun trào khác xảy ra khiến trầm tích bị tiếp xúc với nước kiềm nóng, giàu lithium và kali.

Nhà địa chất học Thomas Benson tại Tập đoàn Lithium Americas, cho biết: "Nghiên cứu trước đây cho rằng illite có ở khắp mọi nơi tại độ sâu trong miệng núi lửa và chúng được hình thành khi có nhiệt độ và áp suất cao".

Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới của Thomas Benson và các cộng sự, nước kiềm nóng tạo ra lớp illite dày khoảng 40 m tại trầm tích hồ. Theo đó, chất lỏng này dâng lên qua các vết nứt xuất hiện khi núi lửa hoạt động trở lạo và biến đổi smectite thành illite tại khu vực phía nam của miệng hố được gọi là Thacker Pass. Kết quả của quá trình này là lớp đá phiến sét có chứa tỷ lệ lithium cao.

Lithium được ví như "vàng trắng", có giá khoảng 37.000 USD/tấn. Điều này đồng nghĩa mỏ lithium vừa được phát hiện tại Mỹ có giá trị ước tính khoảng 1.480 tỷ USD.

Đây là kim loại có trọng lượng nhẹ, mềm, độ nóng chảy thấp và điểm sôi cao nên được sử dụng trong việc sản xuất các bộ nguồn gọn nhẹ, sạc được dành cho laptop, điện thoại. Hiện nay, pin lithium được chú trọng phát triển trên những ứng dụng phương tiện di chuyển chạy bằng điện như xe đạp điện, xe máy điện, ô tô điện,... hoặc kỹ thuật ở các ngành quân đội, hàng không.

Đào miệng núi lửa 16 triệu năm, Mỹ phát hiện kho báu

Các hãng ô tô sản xuất xe điện trên thế giới như Tesla, Toyota, VinFast... đang sử dụng kim loại lithium để sản xuất ra pin phục vụ cho quá trình sản xuất xe điện. Trên thế giới, chỉ một số ít nước có nguồn tài nguyên quặng lithium, đứng đầu là Bolivia, Chile, Achentina, Trung Quốc, Úc.

Với tác động của biến đổi khí hậu, các quốc gia đang ngày càng đầu tư hơn vào công nghệ xanh, công nghệ tái tạo, điển hình như là chuyển đổi từ xe ô tô chạy xăng sang xe điện. Do đó, lithium sẽ trở thành kim loại mà cả thế giới đều cần trong thời gian tới.

Mới đây, CNBC dẫn nghiên cứu từ Fitch Solutions BMI cho biết, nguồn cung lithium toàn cầu, được sử dụng để sản xuất pin cho thiết bị điện tử tiêu dùng và xe điện, dự kiến không đủ đáp ứng nhu cầu vào đầu năm 2025.

"Việc phát hiện ra mỏ khoáng sản này có thể làm thay đổi phân phối lithium trên toàn cầu về mặt giá cả, an ninh cung ứng và địa chính trị", Daily Mail dẫn nhận định của chuyên gia Anouk Borst tại Trường Đại học KU Leuven và Bảo tàng Hoàng gia Trung Phi ở Tervuren, Bỉ.

Nhà máy thủy điện 9.500 tỷ có đường hầm dẫn nước dài nhất, đập đất và cột nước cao nhất Việt Nam

Cụ bà nhặt bừa cục đá về làm chặn cửa, hơn 20 năm sau mới biết là kho báu 70 triệu năm tuổi trị giá 27 tỷ đồng

Phát hiện hang động lớn, nhóm công nhân huy động máy xúc đào suốt 5 ngày đêm, mở khóa 'kho báu' 10.000 tỷ đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dao-mieng-nui-lua-16-trieu-nam-my-phat-hien-kho-bau-vang-trang-1500-ty-do-lon-nhat-the-gioi-co-the-lam-thay-doi-1-dieu-cua-nhan-loai-200913.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đào miệng núi lửa 16 triệu năm, Mỹ phát hiện kho báu "vàng trắng" 1.500 tỷ đô lớn nhất thế giới, có thể làm thay đổi 1 điều của nhân loại
    POWERED BY ONECMS & INTECH