Khu "đất vàng" 231 Nguyễn Trãi là nhà máy sản xuất săm lốp cao su của CTCP Cao su Sao Vàng (SRC).
Cổ phiếu SRC của CTCP Cao su Sao Vàng vừa lập đỉnh 34.000 đồng/cổ phiếu trước khi “rút ngọn” về mức 31.800 đồng/cổ phiếu khiến nhiều nhà đầu tư lại nhớ tới doanh nghiệp đặc thù này.
Cổ phiếu SRC giảm mạnh phiên giao dịch cuối tháng 5, khi loạt thông tin liên quan Tập đoàn Hoành Sơn vừa được nhắc tới. Tập đoàn Hoành Sơn là cổ đông lớn của cao su Sao Vàng, do ông Phạm Hoành Sơn làm Chủ tịch HĐQT; ông Sơn hiện cũng Chủ tịch HĐQT Cao su Sao Vàng.
Tập đoàn Hoành Sơn đang được nhắc lại với thương vụ thâu tóm “siêu cảng” Phước An (PAP) đình đám một thời.
>> Dấu ấn Hoành Sơn tại siêu dự án cảng Phước An: Thâu tóm và rời đi bằng con đường ‘không giống ai'
"Đất vàng" 231 Nguyễn Trãi: Đường đi từ Cao su Sao Vàng về tay Tập đoàn Hoành Sơn
CTCP Cao su Sao Vàng là doanh nghiệp Nhà nước, là doanh nghiệp săm lốp cao su ra đời sớm nhất ở nước ta. Công ty được cổ phần hóa từ năm 2005 và chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HoSE từ tháng 9/2009, do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nắm giữ 51% vốn điều lệ.
Tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước, lại đi đầu trong ngành sản xuất săm lốp cao su, Cao su Sao Vàng cũng được giao quản lý nhiều lô đất đắc địa. Trong đó, trụ sở chính tại số 231 Nguyễn Trãi, Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội là “đất vàng” có diện tích hơn 6,24ha. Đây là đất thuê 50 năm tính từ năm 2005, cũng là địa điểm công ty xây dựng Nhà máy sản xuất săm lốp ô tô.
Không chỉ tại Thủ đô, Cao su Sao Vàng còn có nhiều lô đất lớn làm văn phòng, xí nghiệp, chi nhánh tại nhiều tỉnh, thành lớn như Đà Nẵng, Thái Bình, Vĩnh Phúc và TP. HCM.
Xuất phát từ ý tưởng di dời nhà máy và tận dụng “đất vàng” với quy mô diện tích lớn hơn 6,2ha, công ty trình phương án nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy mới tại KCN Châu Sơn, TP. Phủ Lý, Hà Nam. Theo đó, Cao su Sao Vàng quyết định thuê khu đất diện tích khoảng 20ha tại KCN Châu Sơn để di dời nhà máy, thời hạn thuê đến năm 2056.
Năm 2015, công ty công bố thông tin đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư phát triển dự án tại số 231 Nguyễn Trãi với CTCP Tập đoàn Hoành Sơn. Tuy công bố đã ký hợp đồng hợp tác từ năm 2015, nhưng đến ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, tờ trình về việc hợp tác đầu tư với Hoành Sơn mới được đưa ra tại ĐHĐCĐ.
Theo nội dung tờ trình, các cơ sở sản xuất kinh doanh đang dần được di dời khỏi nội thành Hà Nội, nhà máy Cao su Sao Vàng cũng nằm trong lộ trình. Tuy nhiên, theo lãnh đạo công ty, khả năng tài chính hạn chế, ảnh hưởng đến nguồn vốn phục vụ việc di dời và mở rộng nên cần tìm đối tác đầu tư tại lô đất 231 Nguyễn Trãi.
Thời điểm đó, công ty đã mời một số “ông lớn” bất động sản tham gia đàm phán như Bất động sản Việt Hưng, Tập đoàn Đất Xanh (DXG), Tập đoàn tài chính Hoàng Huy (HHS)… Kết quả, Tập đoàn Hoành Sơn - một doanh nghiệp gốc Hà Tĩnh - được lãnh đạo công ty lựa chọn do trả giá cao nhất (435 tỷ đồng).
Theo kế hoạch, SRC và Hoành Sơn sẽ góp vốn thành lập Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn vốn điều lệ 100 tỷ đồng để đầu tư phát triển khu hỗn hợp, bao gồm trung tâm thương mại - dịch vụ - văn phòng - căn hộ cao cấp để bán và cho thuê tại 231 Nguyễn Trãi. Cơ cấu cổ đông sẽ là SRC góp 26% còn Hoành Sơn sẽ sở hữu 74%. Cùng với đó là điều kiện SRC sẽ thoái vốn ngay khi dự án kết thúc.
Phối cảnh dự án trung tâm thương mại - dịch vụ - văn phòng - căn hộ cao cấp 231 Nguyễn Trãi |
>> Bộ ba nhà máy vang bóng một thời bị loại khỏi con đường sầm uất nhất Thủ đô bây giờ ra sao?
Hợp đồng cũng ghi rõ, Tập đoàn Hoành Sơn sẽ hỗ trợ kinh phí di dời nhà máy cao su Sao Vàng tại 231 Nguyễn Trãi về KCN Châu Sơn là 435 tỷ đồng. Thời gian di dời dự kiến trong 36 tháng từ ngày ký hợp đồng, tiền di dời giải ngân theo từng đợt phù hợp với tiến trình chuyển đổi lô đất 231 Nguyễn Trãi.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2016, khi tờ trình được công bố, nhiều cổ đông đã lên tiếng chất vấn về đối tác Hoành Sơn, chất vấn về năng lực tài chính, lợi ích của SRC khi hợp tác với Hoành Sơn, thắc mắc tại sao tỷ lệ góp vốn tại dự án là 26% và liệu có thay đổi tỷ lệ nếu công ty này tăng vốn… Kết quả cuối cùng, Đại hội vẫn thông qua tờ trình hợp tác cùng Hoành Sơn.
BCTC năm 2016 của cao su Sao Vàng thể hiện, công ty đã thanh toán khoản chi phí thuê đất hơn 171 tỷ đồng tại KCN Châu Sơn.
Năm 2017 công ty Sao Vàng - Hoành Sơn tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng, tương ứng số tiền SRC “đổ” vào là 130 tỷ đồng (26%); bản thân công ty Sao Vàng - Hoành Sơn vẫn trong quá trình hoàn thiện thủ tục hồ sơ pháp lý để thực hiện dự án.
"Đất vàng" 231 Nguyễn Trãi đã về tay Tập đoàn Hoành Sơn thông qua một hợp đồng hợp tác đầu tư. Năm 2018, HĐQT Cao su Sao Vàng đã họp, xây dựng lộ trình thoái vốn khỏi dự án này.
Năm 2019, Vinachem đấu giá 4,21 triệu cổ phiếu SRC, muốn giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 36%. Cuối năm 2019, ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoành Sơn bất ngờ được bầu làm Chủ tịch HĐQT của cao su Sao Vàng.
Ông Phạm Hoành Sơn |
Sở hữu cổ phần chi phối để "thâu tóm" đất vàng
Thông tin ông Phạm Hoành Sơn được bầu làm Chủ tịch HĐQT Cao su Sao Vàng khá bất ngờ. Nguyên nhân bởi mãi đến tháng 7/2020 Tập đoàn Hoành Sơn mới có công bố thông tin đã mua vào gần 6,9 triệu cổ phiếu SRC (tỷ lệ 24,54%) và trở thành cổ đông lớn. Trước đó Tập đoàn Hoành Sơn không sở hữu cổ phiếu SRC nào.
Tuy vậy, đến tháng 11/2021, Tập đoàn Hoành Sơn nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính do "mua chui" gần 6,9 triệu cổ phiếu SRC nói trên, mọi chuyện mới được lý giải.
Cuối năm 2023 Tập đoàn Hoành Sơn mua thêm hơn 7,2 triệu cổ phiếu SRC, nâng tổng tỷ lệ sở hữu bao gồm người có liên quan (bố mẹ vợ) lên 50,22% - đủ quyền chi phối Cao su Sao Vàng. Con đường sở hữu cổ phần chi phối để "chiếm lĩnh" đất vàng của Hoành Sơn một lần nữa được thực hiện.
>> Tập đoàn Hoành Sơn trở thành cổ đông lớn nhất của Cao su Sao Vàng (SRC)
Về tay Hoành Sơn, năm 2020, Cao su Sao Vàng xuất hiện khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng gần 600 tỷ đồng - gấp 6 lần cùng kỳ, trong đó công ty Nga Sơn có khoản phải thu hơn 56 tỷ đồng. Nga Sơn cũng là cái tên xuất hiện trong thương vụ thâu tóm "siêu cảng" Phước An. Khoản phải thu với Tập đoàn Hoành Sơn tăng từ hơn 6 tỷ đồng lên 25 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2020, Cao su Sao Vàng cho Tập đoàn Hoành Sơn vay 78,7 tỷ đồng; đồng thời phát sinh thêm khoản phải thu ngắn hạn khác 2,8 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, trong tay Hoành Sơn, tháng 10/2020, HĐQT công ty Cao su Sao Vàng quyết định dừng việc thực hiện dự án tại KCN Châu Sơn, muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư khác nhằm thu hồi vốn. Dự án di dời nhà máy từ 231 Nguyễn Trãi về KCN Châu Sơn bất thành.
Dự án trung tâm thương mại - dịch vụ - văn phòng - căn hộ cao cấp 231 Nguyễn Trãi vẫn chưa thành |
>> Cận cảnh dự án nghìn tỷ 14 năm hoang lạnh, nguy cơ sạt lở chực chờ của "ông lớn" Hoành Sơn
Một công ty săm lốp khác được thành lập tại Hà Tĩnh
Không tiếp tục thực hiện dự án di dời nhà máy tại KCN Châu Sơn, nhưng Cao su Sao Vàng lại ra quyết định mới, thành lập một công ty săm lốp khác tại Hà Tĩnh.
Tháng 3/2020, SRC nhận công văn của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM yêu cầu giải trình về nghĩa vụ thông tin. Theo nội dung giải trình, tại cuộc họp ngày 18/2/2020, HĐQT SRC đã thông qua việc thành lập CTCP Sao Vàng - Hoành Sơn với vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng, trong đó SRC góp 50%; Tập đoàn Hoành Sơn góp 49% và bà Nguyễn Thị Hằng Nga góp 1%.
Tháng 11/2021, CTCP Sao vàng - Hoành Sơn, hoạt động trong lĩnh vực săm lốp tại Hà Tĩnh, được thành lập với vốn điều lệ 750 tỷ đồng. Cao su Sao Vàng góp 375 tỷ (50%).
Dự án trên "đất vàng" 231 Nguyễn Trãi vẫn giậm chân tại chỗ. Kết quả kinh doanh cao su Sao Vàng đi xuống với số lãi còn chưa đến 30 tỷ đồng trong 2 năm liên tiếp 2022-2023.
Báo cáo tài chính của Cao su Sao Vàng cho thấy, từ khi thành lập đến nay, cả Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn và CTCP Sao Vàng - Hoành Sơn đều kinh doanh thua lỗ.
Đáng chú ý, ban đầu, ý định di dời nhà máy của Cao su Sao Vàng về KCN Châu Sơn nhằm bắt kịp xu hướng thị trường về chuyển đổi lốp từ dòng bias sang radial đã bất thành, để các đối thủ cùng ngành chiếm lĩnh thị trường.
>> Thương hiệu 60 năm tuổi dưới thời Chủ tịch Hoành Sơn kinh doanh ra sao?