Nhịp sống
Ngôi đình cổ có kiến trúc chạm khắc đẹp nhất miền Trung
Sau gần 300 năm xây dựng, Đình Hoành Sơn (huyện Nam Đàn, Nghệ An) đã bắt đầu xuống cấp, hư hỏng một số hạng mục. Đầu năm 2024, ngôi đình đã được hạ giải để tôn tạo, tu bổ với chi phí 24 tỷ đồng.
Đình Hoành Sơn (xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) được xây dựng từ năm 1763 để thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ). |
Đình Hoành Sơn có 8 vì, 7 gian với 32 cột gỗ lim tròn. Ngôi đình được đánh giá có kiến trúc tinh xảo, nét chạm khắc đẹp nhất miền Trung. Năm 1984, đình được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia, đến năm 2017 thì được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. |
Bộ khung nhà của đình được ví như một bức tranh tổng thể sinh động, đầy màu sắc. Các khung gỗ trong đình đều được nghệ nhân chạm trổ tinh xảo với đề tài “tứ linh” (Long, Ly, Quy, Phượng), "tứ quý" (tùng, cúc, trúc, mai). |
Ngoài ra, trên các khung gỗ còn được chạm trổ nhiều hình ảnh về các hoạt cảnh cuộc sống xã hội lúc bấy giờ như vinh quy bái tổ, xem điểm thi, thi võ, chèo thuyền, ngư tiều canh lục... |
Trải qua gần 300 năm, ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều cấu kiện gỗ bị mục nát ảnh hưởng đến kết cấu và chịu lực của đình. |
Đầu năm 2024, Đình Hoành Sơn chính thức được hạ giải để tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí 24 tỷ đồng. Dự án do Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư. |
Ông Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An cho biết trước đây ngôi đình đã nhiều lần được sửa chữa. Nhưng đây là lần tu bổ quy mô lớn nhất kể từ khi ngôi đình được xếp hạng. |
Khi hạ giải Đình Hoàng Sơn để tu bổ, Sở Văn hóa Thể thao Nghệ An phải mời Cục Di sản văn hóa về đánh giá các cấu kiện trong đình rồi mới tiến hành tôn tạo, sửa chữa với phương châm cố gắng giữ lại nguyên bản các cấu kiện gỗ. “Cái gì được thay, không được thay, cái gì cần phục chế, gia cố… đều được xem xét và đánh giá rất công phu rồi mới tôn tạo. Một số cấu kiện hư hỏng nặng, không thể phục chế thì mới phải thay", ông Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An nói. |
Anh Lương Sỹ Nhật - Kỹ sư Công ty CP Xây dựng công trình văn hóa thể thao và du lịch - chi nhánh miền Trung (đơn vị thi công dự án) cho biết có 15 thợ mộc lành nghề được huy động để tôn tạo Đình Hoành Sơn. Dự kiến đến khoảng tháng 7/2025, việc trùng tu ngôi đình sẽ hoàn thành. |
“Tất cả cấu kiện khi trùng tu đều được giữ lại nguyên bản. Riêng những phần hư hỏng, được thay mới, chúng tôi vẫn giữ nguyên không sơn hay làm giả cũ”, anh Lương Sỹ Nhật nói. |
Những cấu kiện gỗ bị mục nát phải thay thế đều được lưu giữ lại. |
Những cấu kiện gỗ được đánh dấu chi tiết. Sau khi hạ giải xuống để tu bổ sẽ được lắp lại nguyên như ban đầu. |
Ông Nguyễn Văn Quang (54 tuổi, trú xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An) có hơn 25 năm theo nghề mộc chia sẻ những chi tiết gỗ trong đình được chạm trổ rất tinh xảo. Quá trình tu sửa, ông và những người thợ phải cẩn thận, nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng đến những "bức họa" điêu khắc trên gỗ. |
"Với những phần gỗ bị hỏng chúng tôi sẽ tiến hành bỏ phần hỏng và lấy phần gỗ mới tương ứng với chủng loại và kích thước để đắp bù vào bằng keo. Khó nhất chính là những phần gỗ điêu khắc bị hư hỏng một phần. Chúng tôi phải điêu khắc lại các họa tiết tương ứng rồi ghép vào”, ông Nguyễn Văn Quang nói. |
Ngoài việc tôn tạo đình chính, dự án tiến hành xây dựng nhà vệ sinh, am hóa vàng, bia dẫn tích, nghi môn, tường rào, hạ tầng kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị, đồ tế khí trong đình. |