Doanh nghiệp

Thương hiệu 60 năm tuổi dưới thời Chủ tịch Hoành Sơn kinh doanh ra sao?

Yên Hoàng 04/09/2023 05:30

Sau khi Tập đoàn hóa chất Việt Nam thoái bớt vốn, Tập đoàn Hoành Sơn đã trở thành cổ đông lớn thứ 2 của Cao su Sao Vàng, kết quả kinh doanh kể từ đó cũng đã có sự cải thiện đáng kể.

Người dân Thủ đô thường dùng từ Cao Xà Lá để nói về tổ hợp công nghiệp lớn nhất một thời, từng là niềm tự hào của Hà Nội gồm 3 nhà máy cao su - xà phòng - thuốc lá ở quận Thanh Xuân.

Tổ hợp bao gồm Nhà máy cao su Sao Vàng, Nhà máy Xà phòng Hà Nội và Nhà máy thuốc lá Thăng Long. Đây là 3 khu đất liền kề nhau và có vị trí đắc địa trên mặt tiền đường Nguyễn Trãi, nằm trên trục đường có tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi qua, gần Ngã Tư Sở và đường vành đai 3. Đối diện là 2 trường đại học và khu vực dày đặc chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại với quy mô, mật độ lớn.

Không chỉ có Cao Xà Lá, khu vực này còn là nơi tọa lạc của một loạt nhà máy lớn và lâu đời khác như Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông, Giầy Thượng Đình hay Cơ khí Hà Nội.

CTCP Cao Su Sao Vàng

Cao su Sao Vàng là một trong những doanh nghiệp có tuổi đời lâu năm, gắn liền với những giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước. Do tầm quan trọng của công nghiệp cao su trong nền kinh tế nên ngay sau khi miền Bắc giải phóng, ngày 7/10/1956 xưởng đắp vá săm lốp ôtô đã được thành lập và bắt đầu hoạt động vào tháng 11/1956. Đến đầu năm 1960, xưởng sát nhập vào Nhà máy cao su Sao Vàng và chính là tiền thân của Nhà máy Cao su Sao Vàng Hà Nội sau này.

Trong kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế 3 năm (1598-1960), Chính phủ đã phê duyệt phương án xây dựng khu công nghiệp Thượng Đình gồm 3 nhà máy: Cao su – Xà phòng – Thuốc lá Thăng Long. Công trường được khởi công xây dựng ngày 22/12/1958.

Ngày 6/4/1960, nhà máy tiến hành sản xuất thử những sản phẩm săm, lốp xe đạp đầu tiên ra đời mang nhãn hiệu Sao Vàng. Ngày 23/5/1960 nhà máy làm lễ cắt băng khánh thành và đây trở thành ngày truyền thống của nhà máy.

Năm 1992, theo quyết định của Bộ Công nghiệp nặng, nhà máy đổi tên thành Công ty Sao Vàng. Đến năm 2006 chuyển đổi thành CTCP Cao su Sao Vàng, niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM từ năm 2009 với mã SRC.

Tuy nhiên, đối mặt với sức cầu của thị trường yếu, xu hướng tiêu dùng chuyển sang sử dụng lốp Radial và sản phẩm của công ty chịu sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp cùng ngành cũng như hàng nhập khẩu, khiến Cao su Sao Vàng không tránh khỏi những thách thức.

Từ năm 2009, hoạt động kinh doanh của công ty theo chiều hướng ngày càng giảm sút về lợi nhuận. Kết thúc năm 2018, SRC ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 12 tỷ đồng, giảm đến 64% so với 2017 và là năm thứ 3 liên tiếp lợi nhuận giảm.

Mối lương duyên với Tập đoàn Hoành Sơn

Trước bối cảnh ấy, Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã tiến hành thoái 15% vốn tại SRC vào năm 2019, đồng thời Cao su Sao Vàng xuất hiện những cổ đông mới. Trong đó, Tập đoàn Hoành Sơn hiện là cổ đông lớn thứ hai tại Cao su Sao Vàng với 24,54% vốn điều lệ, chỉ sau Vinachem (36% vốn điều lệ).

Mối lương duyên giữa Cao su Sao Vàng và Hoành Sơn bắt đầu từ năm 2016, khi SRC lựa chọn Tập đoàn Hoành Sơn để cùng thực hiện dự án “Tổ hợp Thương mại và Nhà ở Sao Vàng – Hoành Sơn" tại 231 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân – Hà Nội). Đồng thời, Hoành Sơn hỗ trợ kinh phí để CTCP Cao su Sao Vàng di dời Nhà máy với số tiền 435 tỷ đồng.

Theo đó, một pháp nhân dự án đã được lập ra là Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn với vốn điều lệ tại thời điểm lập là 100 tỷ đồng. Trong đó Hoành Sơn góp 74%, còn SRC góp 26% vốn bằng nguồn vốn vay của Tập đoàn Hoành Sơn.

Tuy nhiên, việc di dời nhà máy ra Hà Nam đã bị SRC dừng lại theo Nghị quyết số 114 được HĐQT ban hành ngày 15/6/2020, đồng nghĩa với việc "Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng - Hoành Sơn" cũng "đóng băng". Tại thời điểm 30/6/2023, SRC ghi nhận khoản đầu tư có giá trị ghi sổ 130 tỷ đồng vào Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn.

Thương hiệu 60 năm tuổi dưới thời Chủ tịch Hoành Sơn kinh doanh ra sao?

Ngày 4/3/2020, Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (mã SRC, sàn HoSE) công bố nghị quyết của HĐQT về việc góp vốn để thành lập Công ty Cổ phần Sao Vàng - Hoành Sơn với vốn điều lệ 500 tỷ để để đầu tư xây dựng nhà máy săm lốp Cao su Sao Vàng tại Hà Tĩnh.

Hiện nhà máy tại 231 Nguyễn Trãi với diện tích khoảng 62.000 m2 vẫn sản xuất bình thường với công nghệ cũ từ nhiều năm trước. Hơn 7 năm trước, nhà máy nằm trong kế hoạch di dời ra khỏi nội đô Hà Nội vì ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có động thái di dời một cách cụ thể. Khu đất 231 Nguyễn Trãi của công ty đã được dùng để góp vốn với Tập đoàn Hoành Sơn triển khai dự án bất động sản tại đây.

Năm 2022, Cao su Sao Vàng đạt doanh thu 915 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 38 tỷ đồng, liên tiếp xuống dốc sau khi đạt đỉnh lợi nhuận gần trăm tỷ đồng vào năm 2020.

Thương hiệu 60 năm tuổi dưới thời Chủ tịch Hoành Sơn kinh doanh ra sao?

Trong bối cảnh năm 2023 kinh tế thế giới gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn và khó lường, khiến kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt Chủ tịch HĐQT Cao su Sao Vàng Phạm Hoành Sơn đặt mục tiêu đạt 2.000 tỷ đồng doanh thu tiêu thụ, cao gấp 2,1 lần so với năm 2022, trong đó doanh thu sản xuất công nghiệp đạt 970 tỷ đồng, doanh thu thương mại và doanh thu khác đạt 1.030 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 100 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với năm 2022. Cao su Sao Vàng cũng đặt mục tiêu sản xuất 17,72 triệu sản phẩm các loại, trong đó lốp xe đạp đạt 5,1 triệu chiếc (tăng 32% so với sản xuất thực tế năm 2022); săm xe đạp đạt 5 triệu chiếc (tăng 18,1%); lốp xe máy đạt 1,44 triệu chiếc (tăng 20%)…

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Cao su Sao Vàng ghi nhận doanh thu 492 tỷ đồng và LNTT gần 14 tỷ đồng, còn cách khá xa mục tiêu năm đã đề ra.

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thuong-hieu-60-nam-tuoi-duoi-thoi-chu-tich-hoanh-son-kinh-doanh-ra-sao-199079.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thương hiệu 60 năm tuổi dưới thời Chủ tịch Hoành Sơn kinh doanh ra sao?
POWERED BY ONECMS & INTECH