Dấu ấn 3 doanh nghiệp tăng vốn thần tốc để 'ôm' 40% cổ phần PGBank (PGB)
Hơn 1 năm trước, khi Petrolimex thoái vốn tại PGBank, có 3 doanh nghiệp bất ngờ tăng vốn khủng hàng trăm lần, chi 2.600 tỷ đồng để ôm 120 triệu cổ phiếu PGB.
Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank - mã chứng khoán PGB) gần đây đã thu hút sự chú ý khi xuất hiện tin đồn về phòng giao dịch Phú Thụy vỡ nợ. Dù lãnh đạo ngân hàng và cơ quan công an đã lên tiếng trấn an, nhưng nhiều người dân vẫn đổ xô đến các phòng giao dịch để rút tiền.
PGBank – câu chuyện tăng vốn thần tốc của những cổ đông lớn
PGBank, tiền thân là Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, được thành lập vào tháng 11/1993, cùng thời điểm với hàng loạt ngân hàng TMCP khác tại Việt Nam. Qua nhiều biến động, hiện tại, PGBank có vốn điều lệ 4.200 tỷ đồng.
Mới đây, PGBank công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ, trong đó, đáng chú ý là ba cái tên: CTCP Quốc tế Cường Phát, CTCP Thương mại Vũ Anh Đức và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Thương mại Gia Linh. Tính đến ngày 19/9, ba cổ đông này nắm giữ tổng cộng 40% vốn điều lệ PGBank, trong đó mỗi cổ đông đều sở hữu trên 13%.
>> 97% vốn điều lệ tại PGBank đang thuộc về ai?
Nhóm cổ đông lớn này xuất hiện tại PGBank hơn một năm trước khi mua đấu giá thành công 120 triệu cổ phiếu PGB từ Petrolimex. Thời điểm đó, Gia Linh mua 39,29 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 13,1%); Công ty Vũ Anh Đức mua hơn 40 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 13,36%) và Công ty Cường Phát mua 40,62 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 13,54%). Trước đó, 3 pháp nhân này không sở hữu cổ phiếu PGB nào
Việc ba cổ đông này, vốn chưa có danh tiếng trong giới ngân hàng, lại cùng lúc sở hữu cổ phần lớn đã thu hút sự chú ý của giới tài chính.
CTCP Quốc tế Cường Phát, thành lập vào tháng 2/2015 với vốn điều lệ ban đầu là 8 tỷ đồng. Cường Phát gây chú ý khi vào tháng 4/2023, ngay trước khi Petrolimex thoái vốn tại PGBank, đã tăng vốn khủng từ 10 tỷ đồng lên 882 tỷ đồng.
Tương tự, cùng thời gian, Công ty Gia Linh và Công ty Vũ Anh Đức cũng thực hiện các đợt tăng vốn khủng trước khi tham gia vào thương vụ này.
Trong số đó, Gia Linh, từ mức 8 tỷ đồng, đã nhận thêm 845 tỷ đồng vốn góp của một cá nhân, ông Nguyễn Tiến Dũng, để tăng vốn lên thành 853 tỷ đồng, gấp 106 lần ban đầu.
Còn Công ty Vũ Anh Đức tăng vốn từ 40 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp 22,5 lần ban đầu.
>> ĐHĐCĐ bất thường PGBank: Bàn kế hoạch 'dời đô', kiện toàn nhân sự HĐQT
Bóng dáng Thành Công Group (TC group) tại PGBank
Rất nhiều đồn đoán sau thương vụ thoái vốn của Petrolimex tại PG Bank, đặc biệt, những suy đoán lớn nhất dồn về nhóm TC Group. Những đồn đoán hoàn toàn có căn cứ.
Trong nhóm cổ đông lớn của PGBank, dấu ấn của Thành Công Group (TC Group) hiện rõ qua nhiều nhân vật liên quan. Ông Vũ Văn Nhuân, Chủ tịch HĐQT đầu tiên của Công ty Vũ Anh Đức, từng là Tổng Giám đốc CTCP Khu công nghiệp tổ hợp công nghệ Thành Công Việt Hưng, một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của TC Group, thành lập tháng 8.
Không chỉ vậy, ông Lê Quang Hải, người đã thay thế ông Nhuân tại Thành Công Việt Hưng, cũng là một doanh nhân có tiếng trong hệ sinh thái TC Group. Ông Hải từng góp vốn vào CTCP Huyndai Thành Công Việt Nam, một trong những công ty trụ cột của TC Group.
Ảnh toà nhà Thành Công Group |
Đơn cử, công ty Thương mại Vũ Anh Đức do ông Vũ Văn Nhuân làm Chủ tịch HĐQT. Ông Nhuân cũng từng đang là Tổng Giám đốc CTCP Khu công nghiệp tổ hợp công nghệ Thành Công Việt Hưng - một doanh nghiệp thành lập tháng 8/2018 - là một trong những doanh nghiệp trong hệ sinh thái TC Group.
Tại Thành Công Việt Hưng, tháng 6/2022 ông Lê Quang Hải thay thế ông Nhuân ngồi vào ghế Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. đến tháng 2/2023 ông Lê Độ lại thay thế vị trí ông Lê Quang Hải.
Ông Lê Quang Hải là một trong những doanh nhân có tiếng, giữ nhiều vị trí quan trọng trong hệ sinh thái Thành Công. Năm 2013 CTCP Huyndai Thành Công Việt Nam thành lập, ông Hải là một trong những cổ đông sáng lập, góp 11,5% vốn vào Huyndai Thành Công.
Chưa hết, trong hệ sinh thái TC Group, CTCP Sản xuất ô tô Huyndai Thành Công Việt Nam thành lập năm 2016. Danh sách cổ đông sáng lập của CTCP Sản xuất ô tô Huyndai Thành Công Việt Nam có 6 người, góp cổ phần nhiều nhất là bà Lê Như Hoa. Ngoài ra còn có những cái tên như Lê Thế Huynh, Nguyễn Hồng Hạnh, Phan Văn Tiến, Lê Hồng Nhung và Nguyễn Tiến Dũng.
Cái tên Nguyễn Tiến Dũng cũng từng xuất hiện ở cổ đông lớn góp vốn vào tháng 4/2023 tại Gia Linh – một trong những doanh nghiệp mua cổ phần PGBank vừa qua.
Dấu ấn Thành Công Group tại PGBank còn thể hiện qua các lãnh đạo. Tháng 10/2023, sau khi Petrolimex thoái vốn, PGBank kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo. Ông Đào Phong Trúc Đại là doanh nhân quen thuộc trong hệ sinh thái Thành Công Group, được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT của PGBank.
Ông Đào Phong Trúc Đại là Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật của CTCP Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng - một thành viên của hệ sinh thái TC Group.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT TC Group |
Trên sàn chứng khoán, ông Đào Phong Trúc Đại còn là Tổng Giám đốc của PV - Inconess (RGC) - doanh nghiệp do ông Nguyễn Anh Tuấn làm Chủ tịch HĐQT.
Hệ sinh thái Thành Công (TC Group) ngày nay là tập đoàn đa ngành nghề, trong đó nổi bật nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh xe ô tô. Hạt nhân cốt lõi trong hệ sinh thái là Tập đoàn Thành Công do ông Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1974, làm Chủ tịch HĐQT.
>> Biến động nhân sự cấp cao tại PG Bank, ông Đào Phong Trúc Đại là ai?
97% vốn điều lệ tại PGBank đang thuộc về ai?
Vụ tin đồn PGBank Phú Thụy vỡ nợ, lãnh đạo bị bắt: Công an lên tiếng