Đấu giá mỏ vàng ở 'thủ phủ' vàng của Việt Nam, nơi duy nhất sở hữu 2 Di sản thế giới UNESCO công nhận
Khu vực này không chỉ là "kho báu" tiềm năng của tỉnh mà còn là điểm nóng về khai thác trái phép.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Theo đó, bổ sung vào Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với Quặng vàng khu vực Hố Ráy, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
Theo báo cáo thăm dò được phê duyệt, mỏ vàng Hố Ráy có diện tích 61ha với trữ lượng ước tính khoảng 2.462kg vàng, 788kg bạc và 1.237 tấn vonfram. Khu vực này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản cho Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu vào năm 2008. Tuy nhiên, công ty này đã bị tuyên bố phá sản vào cuối năm 2018. Hiện tại, khu vực Hố Ráy chưa được cấp giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân nào.

Theo kết quả thăm dò khoáng sản giai đoạn 2011-2020, được phê duyệt bởi Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia, Việt Nam có khoảng 25.084kg vàng gốc. Trong đó, Quảng Nam là tỉnh nhiều vàng nhất cả nước.
Chính vì vậy, nhiều nơi ở Quảng Nam, tình trạng khai thác vàng trái phép tại xã Tam Lãnh vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt sau khi các chốt kiểm soát bị giải thể. Các cơ quan chức năng địa phương đang tăng cường truy quét và kiểm soát để đảm bảo an ninh trật tự.
Khu vực Hố Ráy được đưa vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Khu vực quặng vàng Hố Ráy đã được Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) bổ sung vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2025. Việc đấu giá sẽ tuân theo quy định của pháp luật về khoáng sản và đấu giá tài sản, với thời gian thực hiện trong năm 2025. Nếu chưa hoàn thành trong năm 2025, khu vực mỏ sẽ được chuyển sang đấu giá trong các năm tiếp theo.
Với hơn 500 năm lịch sử, Quảng Nam được mệnh danh là "đất văn hóa", "đất khoa bảng", "đất địa linh nhân kiệt"... nơi sản sinh ra nhiều danh nhân, hào kiệt và lưu giữ các công trình văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị đặc biệt.
Đặc biệt, đến nay, Quảng Nam vẫn là tỉnh duy nhất trên toàn quốc có 2 Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An.