Bất động sản

Đây là đô thị đặc biệt duy nhất của Việt Nam dự kiến sẽ giữ nguyên hiện trạng sau sáp nhập

Hải Đăng 29/03/2025 12:00

TP trực thuộc Trung ương lớn thứ 2 của Việt Nam và cũng là đô thị đặc biệt duy nhất trên cả nước dự kiến sẽ giữ nguyên hiện trạng sau sắp xếp đơn vị hành chính.

Thủ đô Hà Nội - Trung tâm chính trị của cả nước

Mới đây, Bộ Nội vụ đã hoàn tất tờ trình và Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính, chuyển Bộ Tư pháp tiến hành thẩm định.

Theo đề xuất trong dự thảo này, Bộ Nội vụ đề xuất 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước sẽ không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, giữ nguyên hiện trạng, trong đó có 2 TP trực thuộc Trung ương gồm TP. Hà Nội và TP. Huế.

Cụ thể, 11 đơn vị hành chính dự kiến sẽ giữ nguyên hiện trạng gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

>> Tỉnh sở hữu 'hòn ngọc biển Đông' của Việt Nam sẽ biến ngọn núi cao 400m thành khu du lịch sinh thái

Đây là đô thị đặc biệt duy nhất của Việt Nam dự kiến sẽ giữ nguyên hiện trạng sau sáp nhập- Ảnh 1.
TP. Hà Nội là một trong số 11 tỉnh/thành trên cả nước dự kiến sẽ giữ nguyên hiện trạng sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Internet

52 địa phương còn lại thuộc xếp, bao gồm cả 4 TP trực thuộc Trung ương của Việt Nam gồm: TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Theo như số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, TP. Hà Nội hiện có diện tích 3.359km2 và dân số 8.499.038 triệu người, đây cũng là TP trực thuộc Trung ương rộng thứ 2 và đông dân thứ 2 của Việt Nam.

Hà Nội được biết đến là Thủ đô thứ 2 của Việt Nam từ thế kỷ 11, là mảnh đất giàu lịch sử, chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của đất nước.

Nơi đây từng kinh đô của nhiều triều đại phong kiến như Lý, Trần, Lê.

Hà Nội được định hướng là trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam nhờ sự giao thoa của các yếu tố truyền thống và hiện đại.

Thủ đô được biết đến với nhiều di sản văn hóa đặc sắc cũng như di tích lịch sử, đền chùa miếu mạo cũng như các lễ hội truyền thông.

Nếu như TP. HCM được định hướng là "đầu tàu" kinh tế của Việt Nam thì Thủ đô Hà Nội được định hướng là trung tâm chính trị - văn hóa của cả nước, nơi đặt các cơ quan Nhà nước cao nhất gồm: Văn phòng Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan trung ương khác. Nơi đây cũng từng chứng kiến nhiều sự kiện mang tầm vóc lịch sử như tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày nay, mảnh đất Thủ đô cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, những cuộc họp quốc tế, là nơi thúc đẩy sự phát triển chính trị và đối ngoại của đất nước.

Thủ đô Hà Nội sở hữu vị trí chiến lược cả về giao thông và kinh tế khi nằm bên bờ sông Hồng, cách biển Đông khoảng 100km và là trung tâm giao thông kết nối các tỉnh phía Bắc với các vùng miền khác trên cả nước.

Hà Nội cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống quốc phòng của Việt Nam với nhiều cơ sở quân sự, các đơn vị bộ đội cũng như các cơ quan chiến lược.

Giữa bối cảnh đô thị hóa và hội nhập quốc tế, Thủ đô nghìn năm văn hiến của Việt Nam luôn chú trọng đến việc giữ gìn công tác an ninh xã hội khi công tác phòng chống tội phạm, duy trì an ninh trật tự luôn được quan tâm sát sao.

Hà Nội cũng là TP đứng trong TOP đầu phát triển kinh tế của cả nước.

Năm 2024, quy mô kinh tế GRDP của Hà Nội đạt khoảng 1.430 tỷ đồng, đứng thứ 2 cả nước.

Mức nhập bình quân đầu người tại Hà Nội năm 2023 đạt 6,869 triệu đồng/tháng, cao hơn 1,4 lần so với bình quân cả nước.

Từng trải qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính

Trong vai trò là Thủ đô của cả nước, Hà Nội cũng đã từng trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính từ năm 1954.

Từ đó đến nay, Hà Nội đã trải qua 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính vào các năm 1961, 1978, 1991 và 2008.

Mỗi lần thay đổi, Thủ đô lại có sự thay đổi lớn trong cơ cấu về hành chính, diện tích cũng như dân số.

Năm 1961, Hà Nội tiến hành một cuộc mở rộng quy mô lớn thông qua việc sáp nhập các địa phương lân cận. Cụ thể, thành phố tiếp nhận 18 xã, 6 thôn và một thị trấn từ tỉnh Hà Đông; 29 xã và một thị trấn của tỉnh Bắc Ninh; 17 xã cùng một nửa thôn từ tỉnh Vĩnh Phúc; và thêm một xã từ tỉnh Hưng Yên.

Đây là đô thị đặc biệt duy nhất của Việt Nam dự kiến sẽ giữ nguyên hiện trạng sau sáp nhập- Ảnh 2.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - văn hóa của cả nước. Ảnh: Internet

Sau đợt sáp nhập này, diện tích của Thủ đô được mở rộng đáng kể, đạt 586,13km², gồm 4 khu vực nội thành và 4 huyện ngoại thành, với dân số vào thời điểm đó khoảng 910.000 người. Về địa giới hành chính, Hà Nội sau năm 1961 có ranh giới phía Đông giáp tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh; phía Tây và phía Nam giáp tỉnh Hà Đông; phía Bắc giáp tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh.

Tiếp đó, ngày 29/12/1978, Quốc hội khóa VI thông qua đề án của Chính phủ về việc tiếp tục mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Theo đó, thành phố tiếp tục sáp nhập thêm nhiều địa phương từ hai tỉnh Hà Sơn Bình và Vĩnh Phú, bao gồm cả huyện, thị xã, xã và thị trấn.

Cụ thể, từ tỉnh Hà Sơn Bình, Hà Nội tiếp nhận huyện Ba Vì (32 xã), huyện Phúc Thọ (22 xã), huyện Thạch Thất (19 xã), huyện Đan Phượng (15 xã và một thị trấn), huyện Hoài Đức (27 xã) và thị xã Sơn Tây (gồm 9 xã và 5 phường). Từ tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội tiếp nhận huyện Mê Linh (22 xã và 2 thị trấn) cùng huyện Sóc Sơn (25 xã).

Sau đợt mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có tổng diện tích lên tới 2.123km2, bao gồm 4 khu vực nội thành và 12 huyện, thị xã ngoại thành, với quy mô dân số khoảng 2,5 triệu người.

Tuy nhiên, đến ngày 12/8/1991, Quốc hội ban hành nghị quyết điều chỉnh lại địa giới hành chính Thủ đô theo hướng thu hẹp. Theo đó, huyện Mê Linh được chuyển trở lại về tỉnh Vĩnh Phú, trong khi thị xã Sơn Tây cùng các huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì và Thạch Thất được sáp nhập trở lại tỉnh Hà Tây.

Sau điều chỉnh, địa giới Hà Nội có những thay đổi rõ rệt: phía Đông giáp các tỉnh Hà Bắc và Hải Hưng, phía Tây và phía Bắc giáp tỉnh Vĩnh Phú, phía Nam tiếp giáp tỉnh Hà Tây, đồng thời phía Bắc còn giáp tỉnh Bắc Thái. Diện tích Hà Nội lúc này giảm xuống còn 921,8km2, bao gồm 4 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành, với dân số hơn 2 triệu người.

Đến ngày 29/5/2008, Quốc hội tiếp tục thông qua nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Theo đó, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã gồm Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được sáp nhập vào thành phố Hà Nội, đánh dấu một trong những bước phát triển mang tính bước ngoặt trong quá trình xây dựng Thủ đô thành đô thị đặc biệt.

Theo Nghị quyết số 1210/2016, đô thị đặc biệt được xác định có vị trí, chức năng và vai trò quan trọng, bao gồm Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ.

Ngoài ra, đô thị đặc biệt còn là đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên. Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt của Việt Nam Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.

>> Tỉnh có nhiều TP nhất Việt Nam, 7 năm đứng TOP đầu PCI dự kiến giữ nguyên hiện trạng sau sáp nhập

5 năm nữa, tỉnh có mức sống cao nhất Việt Nam sẽ có thêm gần 30 cảng biển, quy mô hơn 35.000 tỷ

Tỉnh giàu nhất Việt Nam dự kiến ‘thay tên đổi họ’ cho nhiều xã, phường sau khi bỏ cấp huyện

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/day-la-do-thi-dac-biet-duy-nhat-cua-viet-nam-du-kien-se-giu-nguyen-hien-trang-sau-sap-nhap-202250328171659451.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đây là đô thị đặc biệt duy nhất của Việt Nam dự kiến sẽ giữ nguyên hiện trạng sau sáp nhập
    POWERED BY ONECMS & INTECH