Vĩ mô

Đề án 1 triệu ha lúa: Cần phải thực sự đi vào đời sống nông dân!

Cảnh Kỳ 23/11/2024 - 21:52

Các mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cho thấy hiệu quả, giờ cần phải thực sự đi vào đời sống nông dân.

Thông tin được các bên đồng thuận đưa ra tại Diễn đàn Giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm thành công cho Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, diễn ra ngày 23/11 tại Cần Thơ.

Để nông dân hiểu rõ lợi ích của Đề án

Báo cáo kết quả 7 mô hình lúa thí điểm tại 5 tỉnh thành vừa qua, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - cho biết, năng suất trung bình của mô hình đạt 64,5 tạ/ha, tăng khoảng 5 tạ/ha so với ngoài mô hình; lượng giống giảm 30-50% (tương đương 0,6-1,6 triệu đồng/ha); phân bón giảm tương đương 0,7-1,6 triệu đồng/ha…

Về hiệu quả kinh tế, mô hình tại Cần Thơ (giống lúa OM5451) tăng lợi nhuận ròng từ 1-6 triệu đồng/ha; mô hình tại Sóc Trăng (lúa ST25) cho lợi nhuận ròng tăng từ 13-18 triệu đồng/ha.

Đề án 1 triệu ha lúa: Cần phải thực sự đi vào đời sống nông dân! ảnh 1
Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt báo cáo tại diễn đàn. Ảnh: CK.

Để tổ chức nhân rộng mô hình thí điểm, theo ông Tùng, cần có sự hỗ trợ chính sách, kỹ thuật, tài chính… để xây dựng mô hình kinh doanh dịch vụ và sản xuất lúa gạo theo tiêu chí Đề án; tăng cường năng lực khuyến nông, tiếp cận kiến thức, thông tin cụ thể, thiết thực cho nông dân…

Theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia, qua các mô hình thí điểm cho thấy kết quả vượt mong đợi. Vấn đề đặt ra thời gian tới làm sao để không còn thí điểm mà phải đi vào đời sống thực sự của bà con nông dân. “Chúng ta không mong muốn nó chỉ là mô hình, nó phải đi vào cuộc sống”, ông Thanh nói.

Đề án 1 triệu ha lúa: Cần phải thực sự đi vào đời sống nông dân! ảnh 2
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: CK

Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang - cho biết, tỉnh đã triển khai bài bản 12 mô hình lúa phát thải thấp và xây dựng 116 tổ khuyến nông cộng đồng. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đến các HTX và nông dân, giúp họ hiểu rõ mục tiêu và lợi ích của Đề án.

Tỉnh Kiên Giang đã triển khai 210ha mô hình giảm phát thải, tạo cơ sở để mở rộng quy mô trong tương lai. Tỉnh cũng phối hợp thực hiện các mô hình của Bộ NN&PTNT, như mô hình tôm - lúa... Những kinh nghiệm này rất quý giá để các địa phương khác tham khảo và áp dụng…

Ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - thông tin, UBND đang tham mưu cho Thành ủy, HĐND thành phố ưu tiên, bổ sung nguồn vốn để đầu tư cho hệ thống thủy lợi, nhất là vùng triển khai Đề án. Thành phố cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp tham mưu để có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ lãi suất cho các HTX, nông dân ở vùng Đề án để ứng dụng công nghệ cao, giảm vật tư đầu vào...

Giải bài toán về vốn

TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện các ngân hàng đã bắt đầu có sự “chuyển mình” để cho vay theo chuỗi. Tuy nhiên, dư nợ để làm trong chuỗi Đề án chưa nhiều, trong khi nông dân chưa trang bị đủ máy móc...

“Tôi đề nghị các ngân hàng có thể cho vay theo khách hàng cá nhân nhưng đại diện tổ nông dân và HTX sẽ nhận và cho vay qua doanh nghiệp (bên thứ 3). Đây được xem là một hình thức thế chấp theo chuỗi”, ông Hải đề xuất.

Theo ông Hải, hai khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi tham gia theo chuỗi là tiền vốn đầu tư và tiền thanh toán cho nông dân khi mua lúa gạo. Khi đầu tư trang thiết bị, các doanh nghiệp cần nguồn vốn trung hoặc dài hạn nhưng hiện nay lại đang dùng vốn ngắn hạn để đầu tư nên không giảm được chi phí.

“Thủ tục giải ngân nhanh chóng và uy tín là yếu tố mà HTX và các doanh nghiệp quan tâm. Vì vậy, các doanh nghiệp thu mua nên kết hợp với HTX đã có hợp đồng liên kết theo chuỗi. Khi HTX thu lúa về thì lấy lúa đưa cho bên thứ 3, từ đó sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ hơn”, ông Hải gợi ý.

Đề án 1 triệu ha lúa: Cần phải thực sự đi vào đời sống nông dân! ảnh 3
Thu hoạch lúa tại mô hình thí điểm Đề án ở Cần Thơ. Ảnh: CK.

Ở góc độ cơ quan nhà nước, cần đẩy mạnh xây dựng các đề án phát triển kinh tế tập thể đến năm 2030 tại từng tỉnh, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình như Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, chính sách của địa phương, quyết định của Chính phủ để triển khai một cách mạnh mẽ và hiệu quả.

>> Đề xuất 800 tỷ đồng Đề án 1 triệu ha lúa

Đề xuất 800 tỷ đồng Đề án 1 triệu ha lúa

Tỉnh đông dân nhất Việt Nam thu hút được hơn 35.000 tỷ đồng cho ngành nông nghiệp

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/de-an-1-trieu-ha-lua-can-phai-thuc-su-di-vao-doi-song-nong-dan-post1694165.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đề án 1 triệu ha lúa: Cần phải thực sự đi vào đời sống nông dân!
    POWERED BY ONECMS & INTECH