Để doanh nghiệp tư nhân không ngừng lớn mạnh: Phải giảm gánh nặng chi phí
Khẳng định quan điểm, ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp tư nhân vẫn chủ yếu là lượng nhiều, chất yếu, các chuyên gia khẳng định để khu vực kinh tế này không ngừng lớn mạnh cần phải gia tăng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Kinh tế tư nhân vẫn “lượng nhiều, chất yếu”
Điểm lại hành trình phát triển của kinh tế tư nhân, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay kể từ khi có Luật Doanh nghiệp năm 1999, khu vực tư nhân đã có sự phát triển mạnh mẽ.
Đã đến lúc phải thúc đẩy doanh nghiệp nội địa phát triển hơn nữa bởi đây là lực lượng doanh nghiệp nòng cốt của đất nước. |
Trong gần 20 năm lại đây, trung bình hàng năm có trên 100.000 doanh nghiệp đăng ký ra đời. Hiện có tới 900.000 doanh nghiệp tư nhân hoạt động cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startups) tăng đáng kể, từ con số khá khiêm tốn là 400 vào năm 2012 đã tăng lên khoảng 3.800 năm 2023; trong đó, 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD.
Tuy nhiên, theo TS. Võ Trí Thành, nhìn tổng thể khu vực tư nhân vẫn là “lượng nhiều, chất yếu”. Phần lớn, trên 97% các doanh nghiệp là nhỏ và vừa (SMEs).
“Điều đó là bình thường, song không bình thường là đại đa số doanh nghiệp đăng ký đều có quy mô rất nhỏ dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới 5 tỷ đồng chiếm đến 70%”, ông Thành nhấn mạnh và cho rằng sự thiếu vắng ngày càng rõ khi các doanh nghiệp quy mô trung bình, nhất là trong công nghiệp chế tác, đang cản trở tăng năng suất, chuyên môn hóa và chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu song có vị thế yếu trong chuỗi giá trị. Nhiều hộ kinh doanh từ chối đăng ký làm doanh nghiệp chính thức do sợ “gánh nặng” quan liêu và cách thức quản lý của nhà nước, làm tăng chi phí giao dịch.
Thực tế cũng cho thấy các doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, với tỷ lệ thua lỗ, phải dừng sản xuất kinh doanh, chờ thủ tục giải thể và giải thể ở mức cao, trung bình là 45% trong giai đoạn 2007- 2017 và lên tới trên 70% năm 2018. Tỷ lệ này vẫn cao cả sau đại dịch Covid-19; năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024 lên tới trên dưới 80%.
TS. Võ Trí Thành. |
Cũng theo TS. Võ Trí Thành, những doanh nghiệp tư nhân lớn nhìn chung chưa thể hiện được vai trò dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng. Khu vực doanh nghiệp tư nhân hiện vẫn đóng góp chỉ trên dưới 10% GDP; R&D (nghiên cứu và phát triển) vẫn còn mờ nhạt, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước nói chung lại thấp.
“Con đường đến đích “khu vực tư nhân thực sự lớn mạnh” còn dài, còn nhiều gian nan, thử thách, nhất là trong bối cảnh con tàu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã nhổ neo và Việt Nam – một đất nước hội nhập sâu rộng, đang nỗ lực chuyển sang giai đoạn phát triển mới, có tính bước ngoặt, với giá trị gia tăng tạo ra phải dựa nhiều vào tăng năng suất và đổi mới sáng tạo”, ông nói.
Cũng nói về những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục Trưởng, Tổng cục Thống kê khẳng định trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, xung đột leo thang tại nhiều khu vực trên thế giới, giá các hàng hóa, dịch vụ đầu vào tăng cao, giống như các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn trong cả việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm sản xuất cũng như đảm bảo các yếu tố đầu vào để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê gần đây cho thấy, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân là việc tìm kiếm, mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Với 54,8% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước thấp và 44,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do sự cạnh tranh của hàng trong nước cao. Đây là những rào cản không nhỏ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
>>Thủ tướng chủ trì cuộc họp với 12 doanh nghiệp tư nhân VIC, HPG, MSN…
Giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp
Để doanh nghiệp tư nhân không ngừng “lớn mạnh”, theo ông Thành, họ phải thực sự có khát vọng, sự dấn thân. Tầm nhìn toàn cầu, bản lĩnh, sự chuyên nghiệp và khôn khéo cùng cạnh tranh thật bằng sản phẩm, thành quả thật cũng là những đòi hỏi đối với các nhà lãnh đạo công ty, tập đoàn lớn.
Về phần mình, bà Nguyễn Thị Hương khẳng định, với những khó khăn đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng, doanh nghiệp tư nhân mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ để giải quyết các nhóm vấn đề cấp bách.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục Trưởng, Tổng cục Thống kê. |
Nhóm vấn đề đầu tiên, theo bà Hương là, giảm gánh nặng chi phí đầu vào đang tăng cao cho doanh nghiệp thông qua: Giảm lãi suất cho vay (với 49,6% doanh nghiệp kiến nghị); Đảm bảo ổn định nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào cho doanh nghiệp (34% doanh nghiệp kiến nghị); Có các chính sách bình ổn giá nguyên vật liệu và năng lượng phục vụ sản xuất kinh doanh (36% doanh nghiệp kiến nghị).
Nhóm vấn đề thứ hai là, khơi thông bế tắc của thị trường đầu ra thông qua các chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước, các chương trình khuyến mãi, giảm giá, quảng bá để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (28,0% doanh nghiệp kiến nghị).
Nhóm vấn đề thứ ba là, tạo điều kiện thuận lợi và có những chính sách điều chỉnh phù hợp, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh như: Cần cắt giảm ngay thủ tục và điều kiện vay vốn không cần thiết (31,3% doanh nghiệp kiến nghị); Tiếp tục điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước phù hợp hơn (31,2% doanh nghiệp kiến nghị); Cần tiếp tục rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính (28% doanh nghiệp kiến nghị); Tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ logistic (27,7% doanh nghiệp kiến nghị).
Nhóm vấn đề thứ tư là, tiếp tục đồng hành và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đặc biệt là trên thị trường quốc tế như: Cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới (21,3% doanh nghiệp kiến nghị); Hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề người lao động để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đơn hàng xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu về bảo hộ, phòng vệ thương mại, các yêu cầu về tiêu chuẩn sản xuất xanh; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu, rộng hơn và các chuỗi cung ứng, đặc biệt là các chuỗi cung ứng tạo ra giá trị gia tăng cao của các nhà sản xuất lớn trên thế giới như điện tử, bán dẫn (10,2% doanh nghiệp kiến nghị).
Có thể nói, trong gần bốn mươi năm Đổi mới của đất nước và sau ba mươi tư năm Luật Doanh nghiệp ra đời, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và địa phương luôn quan tâm tới cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để có những chính sách phù hợp, đảm bảo lợi ích của cả ba bên: nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Nhờ đó, doanh nghiệp tư nhân ngày càng thể hiện rõ vai trò là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Sự lớn mạnh của doanh nghiệp tư nhân góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo nâng cao đời sống dân cư, góp phần ổn định trật tự xã hội và phát triển kinh tế.
Nhằm nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của mình, các doanh nghiệp tư nhân rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành để có thể tạo ra những bước đột phá, khơi thông mọi nguồn lực xã hội, mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển của đất nước.