Để Hà Nội thực sự là Thành phố sáng tạo
Chú trọng vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST), coi đây là một trong những đột phá chiến lược phát triển, Hà Nội hướng tới mục tiêu xa hơn nữa là trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, thật sự là Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Tạo bứt phá về hiệu quả sản xuất, chất lượng dịch vụ
KHCN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nhanh và bền vững đã được quan tâm đưa vào 10 Chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy Hà Nội. Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy về đẩy mạnh phát triển KHCN&ĐMST trên địa bàn Thủ đô đã mang lại hiệu quả thiết thực, sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực.
Đến nay, KHCN đã được vận dụng trong mọi lĩnh vực, ngành nghề của TP. Những thành tựu nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa và dịch vụ.
Điển hình trong lĩnh vực y tế, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số phát triển y tế thông minh, đến nay Sở Y tế Hà Nội đã triển khai hệ thống công nghệ thông tin hiện đại tại bộ phận 1 cửa, cung cấp 100% các dịch vụ công gồm: 131 dịch vụ công, trong đó có 6 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 125 dịch vụ công trực tuyến một phần; 100% bệnh viện đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS); 90,2% bệnh viện đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS); 65,9% bệnh viện đã trang bị hệ thống RIS-PACS; 100% các bệnh viện có website; 5 bệnh viện triển khai Bệnh án điện tử; 88% đơn vị đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Hay trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất các loại giống cây, con, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản đã tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, nhiều DN, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình đã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân Thủ đô và xuất khẩu. Toàn TP hiện có 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tính đến hết năm 2023, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 46% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn TP. Công nghệ cao đang được chú trọng quan tâm và dần trở thành xu thế và tính tất yếu trong sản xuất nông nghiệp 4.0.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các DN cũng đang đẩy mạnh ứng dụng KHCN&ĐMST để nâng cao năng suất lao động. “Việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào thực tiễn sản xuất, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong DN, đã góp phần tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả quản lý điều hành và hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh” - Phó Bí thư Đảng ủy Khối DN Hà Nội Lương Mạnh Sơn chia sẻ.
Định vị là trung tâm khoa học, công nghệ hàng đầu
Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội, phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thời gian qua, hoạt động KHCN của Hà Nội luôn được Thành ủy quan tâm, UBND TP chỉ đạo sâu sát, đưa ra nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá, tăng cường đầu tư cho xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ theo hướng ưu tiên trọng điểm quốc gia, liên tục đổi mới công tác quản lý khoa học và công nghệ phù hợp với tình hình mới theo hướng tạo điều kiện tối đa cho đổi mới sáng tạo.
Triển khai những cơ chế chính sách phù hợp, Hà Nội đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động KHCN tạo đà cho việc hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của TP về phát triển, xây dựng Hà Nội trở thành Trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, để phát triển tiềm lực KHCN, Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành tăng cường thu hút đầu tư vào các dự án khoa học, công nghệ; xây dựng, đưa vào hoạt động vườn ươm DN công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội, dự án Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc… Các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, kinh doanh đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng tăng trưởng.
Hà Nội đã quan tâm khai thác, phát huy tiềm lực KHCN trên địa bàn, nhất là trí tuệ, tiềm năng “chất xám” của đội ngũ trí thức, các trường đại học và cao đẳng, viện nghiên cứu, từng bước góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô.
Thị trường KHCN từng bước được phát triển; ngày càng có nhiều kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án KHCN được chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả tốt trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế của DN, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô.
Chương trình số 07-CTr/TU đặt mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu đưa Hà Nội dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế; tốc độ gia tăng đăng ký sáng chế thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Cụ thể, chỉ tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đặt mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021 - 2025 đóng góp trên 50% vào tăng trưởng GRDP.
Đến nay, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, dự báo mức đóng góp của yếu tố TFP vào tăng trưởng GRDP của Hà Nội năm 2023 là 62,86%. Hay chỉ tiêu đốc độ tăng năng suất lao động mục tiêu giai đoạn 2021 -2025 đạt từ 7 - 7,5%.
Vừa qua, Quốc hội cũng đã chính thức thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với 7 chương và 54 điều, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trong đó có nhiều điểm mới thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất, đồng thời hướng tới mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực.
>> Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới
Hà Nội sắp có Bệnh viện Thận cơ sở 2 tại quận nội thành, quy mô 250 giường bệnh
Chủ tịch UBND TP Hà Nội: mỗi cán bộ, công chức phải nắm vững quy định của Luật Thủ đô