Đề nghị án nghiêm khắc với cựu Phó Vụ trưởng gợi ý doanh nghiệp hối lộ 14,2 tỷ
Chiều 28/5, tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương), đại diện VKS đề nghị tuyên phạt ông An 12-13 năm tù.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Tuấn Quỳnh (nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Long Hưng) 3 năm tù treo; Trần Trác Việt Đức (cựu Giám đốc Công ty Bách Khoa Việt) 11-12 năm tù và Đỗ Thị Tuyết Nga (cựu Kế toán trưởng Công ty Bách Khoa Việt) 3-4 năm tù.
Ngoài ra, đại diện VKS đề nghị HĐXX buộc bị cáo Đức bồi thường thiệt hại cho Nhà nước 105 tỷ đồng; đề nghị tịch thu 14,2 tỷ đồng mà bị cáo Nguyễn Lộc An đã nhận hối lộ.
Theo quan điểm của đại diện VKS, bị cáo An với vai trò là Trưởng đoàn kiểm tra điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu, dù biết rõ 2 công ty không đủ điều kiện được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, nhưng vì vụ lợi đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để gợi ý, đề nghị bà Trần Thị Loan Phương và ông Nguyễn Tuấn Quỳnh đưa hối lộ và nhiều lần nhận hối lộ của 2 người này với tổng số tiền 14,2 tỷ đồng.

Đổi lại, ông An tạo điều kiện cho 2 công ty được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu, giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trái quy định, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu là lĩnh vực quan trọng về an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế, đời sống người dân.
Bị cáo An đã chủ động gợi ý để nhận hối lộ và nhiều lần nhận hối lộ với số tiền lớn nên bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội từ 2 lần trở lên.
Đại diện VKS cũng nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của ông An như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án…

Bào chữa cho ông An, luật sư không có ý kiến về việc xác định tội danh của bị cáo nhưng cho rằng, mức án đề xuất của đại diện VKS có phần nghiêm khắc, chưa xem xét đầy đủ, toàn diện về điều kiện, vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.
Theo luật sư, gia đình bị cáo đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền hơn 14 tỷ đồng. Việc chủ động, tự nguyện xin khắc phục hậu quả thể hiện bị cáo đã có ý thức nhận trách nhiệm về hành vi mình đã gây ra.
Luật sư đề nghị HĐXX xem xét áp dụng cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả)…
Là người bào chữa cho bị cáo Quỳnh, luật sư Hoàng Minh Hiển đề nghị miễn hình phạt cho bị cáo. Bởi vì, luật sư cho rằng bị cáo Quỳnh có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng. Ông Quỳnh hiện là người bị khuyết tật nặng, đã suy giảm đến trên 81% sức khỏe (suy thận mạn, đã phẫu thuật ghép thận 2 lần, hiện đang điều trị bằng thuốc chống thải ghép).
Ngoài ra, bị cáo còn mắc nhiều bệnh khác, khó có thể tự chăm sóc bản thân, luôn cần phải có sự hỗ trợ từ người khác. Với tình trạng sức khỏe ngày càng kém, chỉ cần cách ly bị cáo trong thời gian vài giờ có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Luật sư cũng nhắc đến nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội của bị cáo khi phạm tội trong điều kiện có mối quan hệ bạn bè thân thiết, thường xuyên giúp đỡ nhau trong đời sống thường ngày với ông An.
Trong thời gian công tác, bị cáo là doanh nhân có đóng góp cho xã hội như: Thành tích đóng thuế cho Nhà nước trong suốt thời gian qua gần 15.000 tỷ đồng; được nhiều giấy khen của Tổng cục Thuế...
>>Nữ đại gia tố giác việc nhận hối lộ, cựu phó vụ trưởng hầu tòa
Nữ đại gia tố giác việc nhận hối lộ, cựu phó vụ trưởng hầu tòa
Đề xuất bỏ án tử hình với 8 tội danh, có tội tham ô, nhận hối lộ