Đề xuất bỏ hình phạt tử hình, áp dụng tù chung thân với 8 tội danh
Việc chuyển đổi từ "hình phạt tử hình" sang "hình phạt tù chung thân" là thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Đảng ta.
Thay thế phạt tử hình bằng tù chung thân
Sáng 13/4/2025, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2025, trong đó tập trung thảo luận về bốn dự án luật và hai dự thảo Nghị quyết.
Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nêu rõ một trong những nội dung quan trọng là việc sửa đổi các điều khoản liên quan đến hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự. Theo đề xuất mới, hình phạt tử hình sẽ được thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội. Đề xuất này áp dụng cho 8 trên tổng số 18 tội danh hiện hành trong Bộ luật Hình sự.

Các tội danh được đề xuất áp dụng hình phạt tù chung thân không giảm án gồm hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của Nhà nước; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; vận chuyển trái phép chất ma túy; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; gián điệp; tham ô tài sản; nhận hối lộ.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết qua các lần sửa đổi trước đây, số lượng tội danh có khung hình phạt tử hình đã giảm dần, từ 44 xuống còn 30, tiếp tục giảm còn 28 và đến nay là 18. Việc tiếp tục loại bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh thể hiện rõ xu hướng nhân đạo trong chính sách hình sự hiện hành.
Đặc biệt với các tội danh như tham ô tài sản và nhận hối lộ, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh mục tiêu cốt lõi là thu hồi tài sản tham nhũng. Việc thay thế án tử hình bằng án tù chung thân không giảm án được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình thu hồi tài sản, thay vì thực hiện hình phạt cao nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, việc sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này cần bám sát các kết luận và nghị quyết của Bộ Chính trị, đồng thời thể hiện rõ tinh thần nhân văn và nhân đạo trong chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Thay đổi thể hiện tính nhân văn, nhân đạo
Trong quá trình phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, lần sửa đổi Bộ Luật Hình phải bám sát thực tiễn, đồng bộ và hiệu quả, tránh tư duy cầu toàn hay phức tạp hóa vấn đề. Theo Thủ tướng, những nội dung nào đã rõ và hội đủ điều kiện pháp lý thì cần đưa ngay vào luật để sớm triển khai trong thực tế.
Việc thay thế hình phạt tử hình bằng tù chung thân không giảm án được Thủ tướng coi là bước đi thể hiện rõ nét tính nhân đạo của chính sách hình sự, đồng thời là minh chứng cho sự phát triển về thể chế, cũng như bản lĩnh và năng lực của hệ thống tư pháp quốc gia trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Ngay trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng đã đề cập đến tình trạng thể chế hiện nay và nhận định đây là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nếu có cách tiếp cận hợp lý, thể chế hoàn toàn có thể trở thành mắt xích dễ tháo gỡ nhất. Từ đó, Thủ tướng đề nghị quá trình xây dựng pháp luật cần tập trung làm rõ những nội dung kế thừa, những điểm cần sửa đổi, đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, xác định rõ cơ chế phân cấp, phân quyền với nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ lý do.
Thủ tướng lưu ý thêm rằng tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XV, dự kiến diễn ra trong tháng 5 tới, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua số lượng lớn các dự án luật và nghị quyết. Chính phủ dự kiến trình 35 văn bản quy phạm pháp luật tại kỳ họp này, thể hiện áp lực lớn trong công cuộc cải cách lập pháp, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng nhưng đồng thời phải quyết liệt và rõ ràng trong định hướng lẫn hành động của Chính phủ.
>> Bộ Công an đề xuất phạt tù tới 5 năm người ‘tái’ nghiện ma túy