Nhịp sống

Đề xuất bỏ phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ

Linh Chi 09/08/2024 - 15:22

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận ý kiến của các đại diện về chủ đề phương thức tuyển sinh.

Sáng 9/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Giáo dục đại học năm 2024 để thảo luận về công tác tuyển sinh năm tới. Trong Hội nghị, nội dung được chú trọng, đặc biệt quan tâm là các phương thức tuyển sinh.

PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, đã đề xuất bỏ phương thức xét tuyển sớm dựa vào học bạ.

Ông Phúc cho rằng hiện nay nhiều trường đại học áp dụng phương thức xét tuyển sớm, thậm chí trước khi thí sinh hoàn thành chương trình THPT, hoặc phân chia tỷ lệ phần trăm giữa các phương thức xét tuyển mà không có cơ sở rõ ràng, dẫn đến sự bất công cho thí sinh. Năm 2023, có 214/322 trường đại học xét tuyển sớm mà không dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Một số trường thậm chí bắt đầu xét tuyển từ tháng 1, chỉ sử dụng điểm học bạ của 3 hoặc 5 kỳ, không bao gồm kỳ II lớp 12, và công bố điểm chuẩn ngay trong tháng 3.

Ông Phúc cũng nhấn mạnh rằng việc đưa ra tiêu chí chung cho tuyển sinh chỉ bằng một phương thức, kết hợp nhiều yếu tố như điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, chứng chỉ, sẽ đảm bảo tính công bằng hơn cho học sinh.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2024. Ảnh: Xuân Phú/Vietnamnet

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2024. Ảnh: Xuân Phú/Vietnamnet

Nhiều đại diện cũng đồng tình với quan điểm này, cho rằng tuyển sinh bằng một phương thức duy nhất sẽ tạo ra sự công bằng hơn. Thực tế, một số học sinh khi đã trúng tuyển sớm thường có xu hướng sao nhãng việc học.

Ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ghi nhận ý kiến của các đại diện và chỉ ra rằng việc các trường sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển, trong khi dành ít chỉ tiêu cho điểm thi tốt nghiệp THPT, đã đẩy điểm chuẩn lên cao, gây mất công bằng. Mặc dù việc tuyển sinh sớm giúp trường chủ động hơn và giảm áp lực cho học sinh, nhưng nó cũng tồn tại nhiều nhược điểm như thiếu công bằng và khó dự đoán tỷ lệ nhập học.

Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể cần siết chặt các quy định để điều chỉnh tình trạng này. Các trường nên hạn chế số lượng phương án xét tuyển và càng đơn giản hóa các phương thức xét tuyển càng tốt, để tạo thuận lợi cho học sinh và xã hội.

>>Ngay bây giờ, gần 1 triệu thí sinh đăng ký xét tuyển đại học cần hiểu rõ về lọc ảo để tránh bị 'trượt oan'

Bất ngờ 1 ứng dụng thanh toán được phụ huynh học sinh sử dụng nhiều nhất để nộp lệ phí xét tuyển đại học

Vì sao điểm chuẩn xét tuyển sớm tăng cao, học bạ trên 9 điểm/môn mới đỗ đại học?

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/de-xuat-bo-phuong-thuc-xet-tuyen-som-bang-hoc-ba-d130058.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Đề xuất bỏ phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ
POWERED BY ONECMS & INTECH