Đề xuất: Chủ tịch tỉnh có quyền bổ nhiệm lãnh đạo cấp xã sau sáp nhập
Theo đề xuất từ Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ có thẩm quyền phê chuẩn kết quả bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm, đồng thời quyết định điều động, cách chức đối với chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp cơ sở, cũng như giao quyền chủ tịch UBND cấp cơ sở.
Bộ Nội vụ đã hoàn thiện các dự thảo nghị quyết và luật sửa đổi liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính, dự kiến sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Trong đó, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính quy định: Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên UBND xã, phường để đảm nhận nhiệm vụ, quyền hạn cho đến khi UBND khóa mới được bầu.
Đồng thời, dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) cũng dành một điều khoản liệt kê 22 nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND cấp tỉnh, bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn mới.
Mở rộng nhiệm vụ, quyền hạn cho chủ tịch tỉnh
Theo đó, dự thảo xác định rõ, chủ tịch UBND chịu trách nhiệm lãnh đạo, điều hành hoạt động của UBND, triệu tập và chủ trì các phiên họp của UBND. Chủ tịch tỉnh cũng đứng đầu và chịu trách nhiệm về hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước tại địa phương, đảm bảo sự thống nhất và thông suốt của hệ thống hành chính.
Người đứng đầu UBND tỉnh còn có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra hoạt động của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình và cấp dưới, đồng thời chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự toán ngân sách địa phương.
Về nhân sự, chủ tịch UBND tỉnh sẽ chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức lãnh đạo và cấp phó của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp mình.

Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ, chủ tịch UBND tỉnh sẽ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, quyết định điều động, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp cơ sở và giao quyền chủ tịch UBND cấp cơ sở.
Chủ tịch tỉnh còn có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác đối với phó chủ tịch UBND cấp mình, chủ tịch UBND cấp cơ sở, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.
Trong lần sửa đổi này, ban soạn thảo quy định chủ tịch tỉnh được quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể, đặt tên, đổi tên tổ chức cộng đồng dân cư tại địa phương; ban hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản do mình ban hành nếu thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật.
Đối với chủ tịch UBND thành phố trực thuộc trung ương, ngoài các quyền hạn trên, chức danh này còn có nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị, hạ tầng đô thị theo quy định pháp luật; chỉ đạo sử dụng quỹ đất đô thị để xây dựng công trình hạ tầng đô thị và kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong xây dựng nhà ở, công trình đô thị.
"Có vào, có ra, có lên, có xuống"
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, sắp tới, khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, số lượng xã sẽ giảm, và mỗi xã sau sáp nhập sẽ "gần như một huyện nhỏ".
Đặc biệt, sau khi bỏ cấp huyện, nhiều nhiệm vụ trước đây của cấp huyện sẽ được chuyển xuống cấp xã, đòi hỏi cán bộ cấp xã phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao hơn và chuyên nghiệp hơn.
Để giải quyết vấn đề này, khi soạn thảo dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề xuất liên thông cán bộ, công chức cấp xã thuộc biên chế tỉnh, thành phố.

Dự thảo cũng đưa ra chính sách thu hút, trọng dụng người tài, cùng cơ chế sàng lọc đội ngũ theo nguyên tắc cạnh tranh, "có vào, có ra, có lên, có xuống", nhằm khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, chây ì và tâm lý an toàn khi vào nhà nước.
Việc nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã thông qua cơ chế sàng lọc là mối quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội khi thực hiện mô hình hai cấp (bỏ cấp huyện).
Trao đổi với báo Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Khương Thị Mai (đoàn Nam Định) cho rằng, để đáp ứng yêu cầu mới, cán bộ cấp xã cần được đào tạo, bồi dưỡng thêm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Ngoài ra, có thể điều động cán bộ từ cấp tỉnh, huyện xuống xã để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh, khi sáp nhập cấp tỉnh, xã và bỏ cấp huyện, cần rà soát, đánh giá tổng thể để sắp xếp cán bộ, công chức phù hợp.
“Nếu cán bộ, công chức cấp xã thực sự chất lượng, đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, họ vẫn phải được tiếp tục công tác. Còn ở cấp huyện, hay kể cả cấp tỉnh, nếu không đáp ứng được các yêu cầu đề ra, dứt khoát cần phải có phương án xử lý”, ông Mai khẳng định.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, song song với trách nhiệm công vụ, cần có chế độ, chính sách đủ hấp dẫn để khuyến khích, động viên cán bộ, công chức gắn bó và yên tâm cống hiến.
Thành phố trực thuộc TW trẻ nhất VN dự kiến không sáp nhập, là thành phố di sản, rộng nhất cả nước
Tỉnh miền Trung dự kiến không sáp nhập, là 'quê vua đất chúa' nghìn năm lịch sử