Tỉnh 800.000 dân nằm trong diện sáp nhập vừa phát hiện kho vàng nửa tấn, sắp có cầu dây văng nghìn tỷ nối Trung Quốc
Các nghiên cứu đã phát hiện ra khoáng sản có vàng kèm theo, với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 420kg vàng tại tỉnh này.
Bộ Tư pháp đang thẩm định tờ trình, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính. Theo dự thảo, 52 đơn vị cấp tỉnh sẽ được sắp xếp lại, bao gồm 4 thành phố: Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ. Cùng với đó, 48 tỉnh khác, trong đó có Lào Cai – một tỉnh miền núi biên giới nằm ở trung tâm của vùng Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300km, cũng nằm trong diện này.
Dân số Lào Cai là 787.066 người tính đến ngày 1/4/2024.
Mỏ vàng mới của Việt Nam
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sau 8 năm triển khai Đề án điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 tại vùng Tây Bắc phục vụ cho quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội (Đề án Tây Bắc), bản đồ địa chất - khoáng sản đã được hoàn thành trên diện tích hơn 13.381 km2, bao phủ toàn bộ vùng Tây Bắc.

Một trong những kết quả nổi bật của đề án này là phát hiện được 110 mỏ khoáng sản thuộc 25 loại khoáng sản quý giá, trong đó có 40 mỏ vàng với tổng trữ lượng gần 30 tấn. Trong một mỏ đồng tại tỉnh Lào Cai, các nghiên cứu đã phát hiện ra khoáng sản có vàng kèm theo, với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 420kg vàng.
Bên cạnh đó, năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai tiếp tục ghi nhận nhiều thành tựu tích cực. Tăng trưởng kinh tế GRDP ước đạt 7,38%, vượt mức 5,11% của năm 2023. GRDP bình quân đầu người đạt 97,5 triệu đồng, tăng 8,9 triệu đồng so với năm trước. Thu ngân sách nhà nước của tỉnh cũng đạt mức cao, ước tính cả năm đạt 12.800 tỷ đồng, tương đương 100% so với dự toán tỉnh giao và tăng 35,9% so với cùng kỳ năm trước.
Dự án nghìn tỷ đưa Lào Cai thành trung tâm giao thương quốc tế
Ngày 31/3, hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) đã tiến hành lễ khởi công xây dựng cầu đường bộ vượt sông Hồng tại khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) – Bá Sái (Trung Quốc). Cây cầu này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giao thương, du lịch, tạo cơ hội phát triển toàn diện và củng cố tình hữu nghị giữa hai quốc gia.

Cầu đường bộ qua sông Hồng tại biên giới Bát Xát – Bá Sái có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng. Cầu chính sẽ là cầu dây văng tháp thấp, với 3 nhịp, dài 230m và rộng 35m. Phần kinh phí xây dựng cầu phía Việt Nam là 300 tỷ đồng. Đây là cây cầu thứ tư được xây dựng tại khu vực kinh tế cửa khẩu Lào Cai.
Công trình sẽ được xây dựng tại khu vực cửa khẩu Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cách cột mốc 97 khoảng 700m về phía hạ lưu sông Hồng. Dự kiến cầu sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2026.
Công trình này nằm trên tuyến giao thông quan trọng, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai địa phương, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho thương mại, du lịch và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc. Khi hoàn thành, cầu sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế và đầu tư, đồng thời cải thiện đời sống cho nhân dân vùng biên giới hai nước.
Công trình này là một phần trong chuỗi các dự án phát triển tại Lào Cai, bao gồm xây dựng Cảng hàng không Sa Pa, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, mở rộng cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Yên Bái - Lào Cai) thành 4 làn xe. Những dự án này sẽ giúp Lào Cai trở thành trung tâm kết nối kinh tế, giao thương giữa Việt Nam, các nước ASEAN và vùng Tây Nam - Trung Quốc.
>>Thành phố trực thuộc TW trẻ nhất VN dự kiến không sáp nhập, là thành phố di sản, rộng nhất cả nước
Tỉnh miền Trung dự kiến không sáp nhập, là 'quê vua đất chúa' nghìn năm lịch sử
Bài học sau sáp nhập của thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất nước