Tỉnh miền Trung dự kiến không sáp nhập, là 'quê vua đất chúa' nghìn năm lịch sử
Nếu Hà Nội được biết đến là Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ tinh hoa của đất nước; Nghệ An là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nơi sinh ra nhiều nhân tài; TP.HCM từng được gọi là “hòn ngọc Viễn Đông" thì Thanh Hóa lại được mệnh danh là “quê vua đất chúa", nơi phát tích của nhiều triều đại trong lịch sử Việt Nam.
Theo Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lại các đơn vị hành chính, dự kiến sẽ có 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh trên toàn quốc được sáp nhập. Trong đó, 34 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung và miền Nam sẽ nằm trong diện sáp nhập.
Tuy nhiên, khu vực miền Trung có 4 tỉnh, thành không nằm trong kế hoạch sáp nhập, bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Huế.
Nơi duy nhất được gọi là “quê vua đất chúa”
Suốt chiều dài lịch sử phát triển của đất nước, Thanh Hóa luôn giữ vai trò chiến lược vô cùng quan trọng, là phên dậu vững chắc của đất nước. Đây là vùng đất đã đóng góp to lớn vào quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, tạo nên những dấu ấn lịch sử sâu sắc.

Nếu Hà Nội được biết đến là Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ tinh hoa của đất nước; Nghệ An là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nơi sinh ra nhiều nhân tài; TP.HCM từng được gọi là “hòn ngọc Viễn Đông" thì Thanh Hóa lại được mệnh danh là “quê vua đất chúa", nơi phát tích của nhiều triều đại trong lịch sử Việt Nam.
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Thanh Hóa đã là nơi phát tích của nhiều triều đại vua chúa. Có tổng cộng 44 vị vua xuất thân từ Thanh Hóa, thuộc các triều đại nhà Tiền Lê (2 người), nhà Hồ (2 người), nhà Hậu Lê (27 người) và nhà Nguyễn (13 người). Bên cạnh đó, đây cũng là quê hương của hai dòng chúa nổi tiếng, chúa Trịnh và chúa Nguyễn.
Mặc dù không phải là địa phương được chọn làm nơi đóng đô hay xây dựng kinh thành nhiều nhất nhưng Thanh Hóa tự hào là nơi sinh ra nhiều vị vua nhất. Người xưa khi nói về vùng đất này vẫn có câu “quê vua, đất chúa” hay "đất đế vương chung hội" hay câu nói nổi tiếng "Vua xứ Thanh, thần xứ Nghệ".
Nằm trên dải đất miền Trung, Thanh Hóa là một trong những vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Không chỉ là nơi khởi nguồn của nhiều triều đại lịch sử, xứ Thanh còn là mảnh đất sản sinh ra nhiều điệu dân ca, dân vũ đặc sắc như dân ca Đông Anh, hò sông Mã, Khặp Thái, hát Xường, trò Xuân Phả…
Trải qua chiều dài lịch sử, Thanh Hóa đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước từ thời cổ, trung đại cho đến thời cận đại. Tuy nhiên, do một số giai đoạn sử sách không ghi chép đầy đủ, việc xác định chính xác thời điểm xuất hiện danh xưng Thanh Hóa trong lịch sử đã gặp phải không ít khó khăn.
Theo nhiều tài liệu, năm 1029 được coi là thời điểm sớm nhất ghi nhận danh xưng Thanh Hóa, khi tỉnh này trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương. Đây là một mốc lịch sử quan trọng, không chỉ đánh dấu bước phát triển trong quá trình dựng nước và giữ nước mà còn nhân lên niềm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân Thanh Hóa.

Thanh Hóa ngày càng phát triển vượt bậc
Thanh Hóa đang không ngừng phát triển, ngày càng đạt được những bước tiến vượt bậc. Theo Báo Thanh Hóa, mặc dù đối mặt với không ít khó khăn và thách thức trong năm 2024, nhưng nhờ sự nỗ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân, tỉnh đã gặt hái được nhiều thành tựu tích cực. Một trong những kết quả nổi bật là nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ với những chuyển biến rõ rệt ở các lĩnh vực.
Năm 2024, có 23/25 chỉ tiêu chủ yếu được HĐND tỉnh quyết nghị hoàn thành và vượt kế hoạch.

Hoạt động du lịch cũng phát triển mạnh mẽ, tổng lượng khách du lịch trong năm 2024 ước đạt 15,3 triệu lượt, vượt 10,9% so với kế hoạch và tăng 22,5% so với năm trước. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt 719 nghìn lượt, tăng 16,7%. Tổng thu du lịch ước đạt 33.815 nghìn tỷ, vượt 4,4% kế hoạch, tăng 38%, trong khi doanh thu vận tải vượt 1,7% kế hoạch, tăng 14,5%.
Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước ước đạt 56.735 tỷ đồng, vượt 59,5% dự toán, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và xếp thứ 7 cả nước.
Bên cạnh phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa - xã hội của tỉnh cũng có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống người dân ổn định. Các chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế và chính sách được triển khai kịp thời. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính và cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội cũng được bảo đảm.
>>Tỉnh được mệnh danh là VN thu nhỏ, là quê hương của người phụ nữ duy nhất được UNESCO vinh danh