Đề xuất đầu tư gần 14.000 tỷ đồng cải thiện môi trường nước tại TP giàu nhất Việt Nam
Thời gian thực hiện dự án dự kiến kéo dài từ nay đến năm 2030.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM vừa có văn bản gửi UBND thành phố đề xuất triển khai dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, giai đoạn 3 (gọi tắt là dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 3).
Dự án này chủ yếu tập trung đầu tư tại quận 7 và một phần huyện Nhà Bè (bao gồm xã Phước Kiển, xã Phú Xuân và thị trấn Nhà Bè) với tổng diện tích thực hiện là 4.742ha.
Bên cạnh đó, dự án sẽ xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải cho khu vực phía Nam quận 8, bao gồm các phường 5 và 6 với diện tích thu gom và xử lý nước thải lên tới 587ha.
![Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé. Nguồn ảnh: Báo Lao động Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé. Nguồn ảnh: Báo Lao động](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/06/cdn1z.reatimes.vn-652356615132086272-2025-2-6-_kenh-1738811205680118664567.jpg)
Tổng vốn đầu tư của dự án được đề xuất là 13.487 tỷ đồng, trong đó, khoản vay ODA từ Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Nhật Bản (JICA) chiếm hơn 73,5%, tương đương 9.915 tỷ đồng. Nguồn vốn đối ứng từ ngân sách thành phố chiếm gần 26,5%, tương ứng 3.572 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện dự án dự kiến kéo dài từ nay đến năm 2030.
Mục tiêu chính của dự án là hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, giảm thiểu tình trạng ngập úng và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường cho các khu vực trũng thuộc lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ và vùng lân cận, theo đúng quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.
>> Dự án siêu cảng Trần Đề có chuyển động mới
Việc triển khai giai đoạn 3 sẽ kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đã được xây dựng từ hai giai đoạn trước, nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, giải quyết triệt để tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường tại lưu vực này.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cải thiện đáng kể chất lượng sống cho hàng triệu người dân tại khu vực phía Nam TP. HCM, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê năm 2024, dù TP. HCM và Hà Nội không nằm trong top 20 địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, cả hai vẫn giữ vững vị thế là những thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước.
Theo đó, TP. HCM dẫn đầu với quy mô kinh tế đạt 1,78 triệu tỷ đồng theo giá hiện hành. Trong khi đó, Hà Nội xếp thứ hai với mức 1,43 triệu tỷ đồng.
>> 5 tháng nữa, tuyến cao tốc gần 5.000 tỷ tại tỉnh lớn thứ 3 Việt Nam sẽ chính thức khởi công