Chiều 16/3, tại phiên thảo luận chuyên đề Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên đã đưa ra đề xuất về việc thành lập Liên minh bảo vệ bản quyền báo chí.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh điều phối phiên thảo luận. Các diễn giả bao gồm: bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền, Tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên; nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập Báo Dân trí, nhà báo Dương Quang, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động; ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam và bà Huỳnh Thị Hoàng Lan, Phó Trưởng Ban Ca nhạc HTV.
Đề dẫn phiên thảo luận, nhà báo Nguyễn Đức Hiển cho hay, hiện nay, chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Ngày 6/4/2023 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số.
"Để thực hiện tốt chiến lược này, một trong những thách thức lớn với chuyển đổi số báo chí là vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số", nhà báo Nguyễn Đức Hiển thông tin.
Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Nếu không bảo vệ được bản quyền báo chí, không thể khuyến khích nhà báo và các cơ quan báo chí đầu tư vào phát triển nội dung. Bảo vệ bản quyền báo chí còn giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp các chất liệu báo chí, giả mạo báo chí để lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc. Bảo vệ bản quyền là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay.
Phiên thảo luận tập trung phân tích thực trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí; kiến giải những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản quyền báo chí trong môi trường số; nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền; đóng góp vào quá trình sửa đổi Luật Báo chí nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền báo chí và thúc đẩy hoạt động kinh tế phát triển...
ĐỀ XUẤT HÌNH THÀNH LIÊN MINH BẢO VỆ BẢN QUYỀN BÁO CHÍ
Tại phiên thảo luận, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên đã trình bày tham luận Sự cần thiết của một "liên minh bảo vệ bản quyền báo chí" trong tình hình hiện nay.
Theo ông Toàn, bản quyền báo chí không phải là vấn đề mới. Vấn đề càng trở nên nhức nhối khi các báo điện tử, trang tin điện tử ra đời, sau đó là sự bùng nổ của mạng xã hội.
Người đứng đầu Báo Thanh Niên đồng thời cũng bày tỏ lo ngại tình trạng vi phạm bản quyền sẽ nghiêm trọng hơn trong làn sóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) khi "sự chiếm đoạt nằm trong các dòng code, câu lệnh của những cỗ máy tự tổng hợp, tự viết, tự đăng".
Việc bảo vệ chống lại vi phạm bản quyền yếu ớt khiến cho doanh thu của các cơ quan báo chí đàng hoàng cũng sa sút; từ đó dẫn đến vòng luẩn quẩn: Báo chí bị vi phạm bản quyền dẫn đến suy yếu về kinh tế, từ đó phải chạy theo thị hiếu cơ bản của bạn đọc và phụ thuộc thêm vào quảng cáo, dẫn đến giảm nguồn lực đầu tư cho báo chí chất lượng, hệ quả là hầu hết các cơ quan báo chí đều chạy một hướng dễ dãi, dẫn đến nhu cầu bảo vệ bản quyền trở nên “không cần thiết”.
"Bản quyền không chỉ là một vấn đề đơn lẻ, mà nó là một phần của hệ sinh thái báo chí-truyền thông, có quan hệ đến sức mạnh của mọi cơ quan báo chí", ông Toàn nhấn mạnh.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn cũng đề xuất việc hình thành một liên minh bản quyền báo chí. Đầu tiên, đây phải là liên minh của tất cả các cơ quan báo chí để hiệu lực thực tế của nó mang tính bao trùm.
Thứ hai, liên minh phải kết nối với cả các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý báo chí - truyền thông cũng như các doanh nghiệp, tổ chức có lợi ích trong ngành báo chí - truyền thông.
Thứ ba, liên minh phải thống nhất được những “luật chơi” có tính bắt buộc với tất cả các bên và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền “bảo chứng” cũng như đứng ra làm “trọng tài” phân xử khi cần đưa ra những quyết định chế tài.
Thứ tư, cần phát huy tính chất “hiệp hội” của liên minh để một số chế tài không nhất thiết thông qua cơ quan quản lý nhà nước mà vẫn đạt được hiệu quả răn đe.
Thứ năm, hoạt động của liên minh không chỉ mang tính “hướng nội” giữa các thành viên mà cần bao gồm mục tiêu giáo dục, nâng cao nhận thức và vận động chính sách về bản quyền báo chí.
Ông Toàn cho rằng, việc hình thành liên minh phải bắt đầu ngay, bắt đầu bằng việc xây dựng đội ngũ chuyên gia am hiểu luật pháp, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đề xuất lộ trình khả thi.
Đồng tình với ý tưởng của Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định, trong bối cảnh công nghệ 4.0, vấn đề bản quyền đang ngày càng trở nên cấp bách.
Trình bày hệ thống pháp lý liên quan đến vấn đề bảo hộ bản quyền tác phẩm báo chí, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền cho rằng, điều tiên quyết là bản thân các cơ quan báo chí cần có biện pháp rà soát dữ liệu đầu vào, bảo đảm dữ liệu đó phải "sạch và minh bạch" để tránh rủi ro về pháp lý về sau. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần phải quyết liệt trong việc áp dụng các luật bảo vệ bản quyền trong việc tự bảo vệ chính mình.
KHIẾU KIỆN VI PHẠM BẢN QUYỀN BÁO CHÍ: CƠ QUAN BÁO CHÍ GIỮ THẾ CẦN CHỦ ĐỘNG
Nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập Báo Dân trí cho rằng, thời gian gần đây, còn xuất hiện tình trạng các nền tảng mạng xã hội vi phạm bản quyền báo chí.
"Rất nhiều bài do phóng viên chúng tôi thực hiện rất kỳ công nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội mà không hề dẫn nguồn", ông Tuấn Anh dẫn chứng.
Hành vi vi phạm nêu trên đã phát triển theo hướng tinh vi hơn, đặc biệt trên các nền tảng sử dụng video ngắn như Tiktok, Facebook Reels và YouTube.
"Nghiêm trọng hơn, nhiều trang mạng còn làm giả nội dung báo chí, cắt xén, thêm thắt nội dung sau đó mạo danh các cơ quan báo chí uy tín, gây hoang mang dư luận", Tổng Biên tập Báo Dân trí nói.
Ông Tuấn Anh cũng đưa ra các nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, bao gồm: Ý thức của người đứng sau các trang mạng, độc giả và những người lấy cắp thông tin thiếu kiến thức về bản quyền và đặc biệt chưa có trường hợp bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật.
Nhà báo Phạm Tuấn Anh cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp để hạn chế tình trạng các nền tảng mạng xã hội vi phạm bản quyền báo chí trong đó nhấn mạnh vào tinh thần chủ động của các cơ quan báo chí, bao gồm:
Thứ nhất, chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ để tự bảo vệ và cảnh báo khi tin, bài của bên mình bị lấy mà chưa được sự đồng ý.
Thứ hai, chủ động đấu tranh công khai, trực diện các cá nhân và tổ chức có hành vi vi phạm bản quyền trên báo chí.
Thứ ba, ủy quyền cho bên thứ 3 (luật sư, tổ chức hành nghề luật, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp được cấp phép) nhằm bảo vệ quyền lợi của mình theo cách chuyên nghiệp nhất.
Thứ tư, hình thành trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí có sự tham gia của các bên báo chí, công nghệ và cơ quan quản lý Nhà nước.
Đồng tình với quan điểm trên, nhà báo Dương Quang, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động khẳng định: Trong vài năm gần đây, các cơ quan báo chí đã bắt đầu chủ động ứng phó với nạn vi phạm bản quyền, như thành lập Tổ Bản quyền, xây dựng mạng lưới cảnh giới và báo tin rộng khắp trên các nhóm mạng xã hội, phát hành thông tin cảnh báo chống ăn cắp, báo cáo kịp thời với Sở Thông tin và Truyền thông địa phương về các trường hợp vi phạm, sử dụng phần mềm để rà soát, phát hiện nạn lấy cắp tác phẩm…
"Hiện Báo Người Lao Động đã thành lập Tổ Pháp lý, chuyên trách 8 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ bản quyền, chống xâm phạm và xử lý xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí", ông Quang thông tin.
Ông Quang cũng đề nghị cần đưa vấn đề bảo vệ bản quyền báo chí vào các chương trình dạy và học của các cơ sở đào tạo báo chí trên phạm vi cả nước.
Theo nhà báo Dương Quang, trước năm 2020, Báo Người Lao động có khoảng 8.000-10.000 tin, bài bị khai thác trái phép mỗi năm. Báo Người Lao động cũng sẵn sàng tâm thế khởi kiện bất cứ cá nhân, tổ chức nào ăn cắp bản quyền tác phẩm ra tòa để đòi lại quyền lợi chính đáng.
Đặt ra vấn đề về liên quan đến bản quyền truyền hình, bà Huỳnh Thị Hoàng Lan, Phó trưởng ban Ca nhạc Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thẳng thắn cho rằng, hiện nay pháp luật về sở hữu trí tuệ vẫn trên đường hoàn thiện, chưa có quy định chi tiết nên "đôi khi gây mơ hồ trong cách hiểu và áp dụng".
Do đó, bà Lan kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục cụ thể hóa các quy định về sở hữu trí tuệ, tạo cơ sở cho việc thực thi bản quyền trên hạ tầng truyền hình và hạ tầng số; bảo đảm quyền lợi cho các cơ quan báo chí trong khi thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng cho đội ngũ bảo vệ bản quyền tại báo đài, xây dựng quy trình bảo vệ bản quyền chặt chẽ.
Trong phần tham luận của mình, ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm bản quyền số (Hội Truyền thông số Việt Nam) cho rằng, hiện nay, tài sản số trong lĩnh vực báo chí đã được hình thành.
Ông Chung cho biết, các hình thức đánh cắp tài sản trên nền tảng số điển hình bao gồm: Chiếm đoạt quyền tác giả; mạo danh tác giả; phân phối, xuất bản tác phẩm giả mạo; sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm không có sự đồng ý của tác giả; sao chép tác phẩm không có sự đồng ý; làm tác phẩm phái sinh không có sự đồng ý; sử dụng tác phẩm nhưng không trả tiền bản quyền với chủ sở hữu.
Việc ứng dụng công nghệ sẽ có khả năng hỗ trợ đăng ký bản quyền, kiểm duyệt và phân phối nội dung tự động, liên kết truyền thông nội dung số; hỗ trợ pháp lý, phát hiện và cảnh báo vi phạm.
"Thời gian qua Trung tâm bản quyền số đã xây dựng Trục bản quyền số quốc gia giúp các đơn vị có thể tham gia vào các hoạt động bảo vệ bản quyền", ông Chung thông tin.
Theo Báo Nhân Dân