Đề xuất người lao động đóng bù khoản BHXH bị doanh nghiệp 'trốn' để hưởng chế độ

28-05-2024 14:50|Mạc Thùy

Đại biểu Quốc hội cảnh báo đây có thể là nguy cơ người lao động 'rời bỏ' mạng lưới an sinh.

Bên chậm, trốn đóng BHXH là doanh nghiệp, còn người lao động là nạn nhân, tại sao họ lại phải đóng bù để được hưởng chế độ?

Đây là thông tin đáng chú ý được các Đại biểu Quốc hội trao đổi tại Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV ngày 27/5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Theo dự thảo Luật bảo hiểm xã hội, người lao động có thể nộp khoản bị doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để đủ điều kiện xác nhận hưởng hưu trí.

Theo đó, trong dự thảo trình Quốc hội ngày 27/5, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đề xuất bổ sung cơ chế bảo vệ lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng như phá sản, giải thể, bỏ trốn.

Cơ quan BHXH sẽ tạm thời xác nhận thời gian đã đóng nếu lao động có yêu cầu để làm căn cứ hưởng các chế độ "đóng đến đâu tính đến đó". Khi chủ sử dụng đóng bù thì lao động sẽ được xác nhận, cộng thời gian này vào để tính lại.

Trường hợp tính cả thời gian bị chậm, trốn đóng BHXH mới đủ điều kiện hưởng hưu trí và các chế độ khác thì lao động có thể chọn nộp khoản bị chậm, trốn này vào Quỹ Hưu trí tử tuất để được xác nhận hưởng.

Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương) bày tỏ nỗi băn khoăn việc người lao động phải đóng bù tiền để hưởng quyền lợi mà họ đương nhiên được hưởng.

Đại biểu tỉnh Bình Dương cho biết, khi doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH, người lao động đã mất trắng khoản lương hàng tháng trích đóng ban đầu. Nếu phải đóng bù lần nữa cho phần doanh nghiệp vi phạm thì lao động phải đóng tới hơn 40% tiền lương tháng (gồm 8% tiền lương tháng lần đầu, 22% khoản đóng bù lần hai).

"Quy định này sẽ gây bức xúc hơn cho người lao động lẫn dư luận xã hội. Họ sẽ đặt câu hỏi vì sao doanh nghiệp nợ BHXH mà cơ quan nhà nước không có biện pháp xử lý lại để cho người lao động phải bỏ tiền đóng thay?", bà Trân nói, cảnh báo đây có thể là nguyên nhân họ rời bỏ lưới an sinh.

Đề xuất người lao động đóng bù khoản BHXH bị 'trốn' để hưởng chế độ
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
(Ảnh: QHVN)

Nữ đại biểu đề nghị đánh giá hiệu quả của hoạt động thanh kiểm tra của cơ quan BHXH, tránh tái diễn việc như thu tiền BHXH sai đối tượng, điển hình như hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh cá thể đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm quyền lợi.

"Vì sao đến nay tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH không hề giảm mà còn tăng lên. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan BHXH đến đâu", nữ đại biểu đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, để khi luật thực thi sẽ hiệu quả để người dân yên tâm với hệ thống.

Cũng tại phiên họp, đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng, việc trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi cho người lao động. Vì thế, đề nghị Chính phủ nên có quy định riêng về trách nhiệm tổ chức kiểm tra đối với những doanh nghiệp bảo hiểm, có thể Chính phủ giao hẳn cho ngành Bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm kiểm tra, xử phạt hoặc đề nghị, kiến nghị ra Tòa theo Luật Hình sự.

Ngoài ra, Đại biểu tỉnh Hậu Giang cho biết, Chính phủ nên yêu cầu doanh nghiệp đưa ra chỉ tiêu, có quỹ dự phòng của doanh nghiệp hoặc quỹ hoạt động của doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm mà doanh nghiệp đưa vào hoạt động để đảm bảo quyền lợi đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động cho người lao động.

Đề xuất người lao động đóng bù khoản BHXH bị 'trốn' để hưởng chế độ
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang (Ảnh: QHVN)

Đề cập về vai trò của tổ chức công đoàn trong việc xử lý, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH TP. HCM cho biết, điểm c khoản 1 Điều 13 của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Trên tinh thần của điều luật thì có thể hiểu rằng, người bị kiện là những tổ chức, cá nhân vi phạm về pháp luật bảo hiểm xã hội.

Vấn đề đặt ra là người bị kiện chỉ là người sử dụng lao động thực hiện không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, có thể đối tượng bị kiện nữa là cơ quan bảo hiểm xã hội hay không? Bởi vì, khi tổ chức công đoàn có căn cứ cho rằng cơ quan bảo hiểm xã hội chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát dẫn đến người lao động bị ảnh hưởng đến quyền lợi, như khi người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng trong thời gian dài mà cơ quan bảo hiểm xã hội không có chế tài thích hợp thì tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện cơ quan bảo hiểm xã hội hay không?

Mặt khác, tại Điều 16 quy định về quyền hạn của cơ quan bảo hiểm xã hội. Đại biểu Trần Kim Yến cho rằng, về bản chất thì chủ nợ của bảo hiểm xã hội chính là cơ quan bảo hiểm xã hội. Cho nên, khi người sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội thì chủ nợ có quyền khởi kiện, do đó nên bổ sung vào Điều 16 về quyền khởi kiện của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bởi trên thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua, khi tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ khởi kiện người sử dụng lao động vi phạm về pháp luật bảo hiểm xã hội thì thu thập chứng cứ, tiếp cận tài liệu, dữ liệu liên quan đến bảo hiểm xã hội rất khó khăn.

Đóng BHXH 15 năm hưởng lương hưu, tăng trợ cấp hưu trí một lần?

Đại biểu Quốc hội: Không nên chuyển hộ kinh doanh sang nhóm đóng BHXH bắt buộc

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/de-xuat-nguoi-lao-dong-dong-bu-khoan-bhxh-bi-doanh-nghiep-tron-de-huong-che-do-236464.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đề xuất người lao động đóng bù khoản BHXH bị doanh nghiệp 'trốn' để hưởng chế độ
    POWERED BY ONECMS & INTECH