Chiều 16/3, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề quy hoạch, đấu giá và sử dụng đất.
Nội dung được các đại biểu quan tâm chất vấn nhiều nhất là những bất cập và hệ lụy của việc đấu giá đất ở nhiều nơi, nhà đầu tư đấu giá trên trời rồi bỏ cọc mà điển hình là vụ đấu giá đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP. HCM). Việc này làm nhiễu loạn thị trường, sốt đất ảo, tạo mặt bằng giá đất mới, gây khó khăn cho xây dựng, phát triển. Các đại biểu mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp cho tình trạng này.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc thổi giá là hiện tượng rõ ràng, có thực. Việc đấu giá đất thời gian vừa qua không chỉ là thổi giá mà còn có dìm giá; “quân xanh quân đỏ” rất bức xúc. Đẩy giá làm biến động thị trường, tạo giá ảo và rút ruột tiền ngân hàng nếu tiền đó là đặt cọc. Giá đất bị đẩy lên cao, xa giá trị thật sẽ khiến dẫn tới nhiều hệ lụy.
"Trong nền kinh tế, đất đai là đầu vào mọi dự án đầu tư mà bị đẩy giá lên cao thì sẽ không hiệu quả. Đây là điều không mong muốn. Chúng ta mong muốn giá tốt, mang hiệu quả xã hội trên đất đai, chứ không phải có đủ đất để bán, để tiêu dùng", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, đằng sau việc thổi giá đất còn gây ra hệ lụy tiêu cực là giá đất đấu giá cao có thể là ảo, nhưng lại dùng để thế chấp vay tiền ngân hàng, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia và nhiều vấn đề khác.
Riêng với vụ đấu giá đất Thủ Thiêm được dư luận quan tâm thời gian qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vụ đấu giá đất này Chính phủ đang giao cơ quan có trách nhiệm điều tra. Phương án mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra là người đấu giá xong phải trả tiền ngay trong 10 ngày, thay vì 90 ngày như trước đây, để cá nhân, tổ chức đấu giá thắng không đủ thời gian để trục lợi.
Về tiền đặt trước, đặt cọc hiện chỉ 5 - 10%, Bộ cũng sẽ xem xét tăng lên, đơn vị đấu giá phải chứng minh tài chính thông qua thẩm định của cơ quan có trách nhiệm...
Về giá khởi điểm khi tổ chức đấu giá, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời, nếu nói về chính sách thì cần ngồi lại nghiên cứu, làm thế nào để quy định điều kiện, có thêm chế tài, tiền đặt cọc đúng, bổ sung thời gian thẩm tra, kiểm tra doanh nghiệp tiền có thật hay không... Vấn đề liên quan đến đấu giá, dìm giá, tạo ra thế lực ngầm trong vấn đề đấu giá đất thì cần có các lực lượng tham gia, trong đó có lực lượng công an.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực các tổ chức đấu giá và quan trọng hơn là hoàn thiện phương pháp định giá, đấu giá.
"Đất đai là tài nguyên đặc biệt, nhưng lại được quy định bởi 4 - 5 luật thì sẽ theo luật nào? Vấn đề quan trọng như đất đai phải có quy định đồng bộ trong một bộ luật, bởi đất đai là kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử", Bộ trưởng nêu.
Nam Định chuẩn bị đấu giá gần 700 lô đất, khởi điểm cao nhất lên tới hơn 3 tỷ đồng/lô
Đấu giá đất rồi bỏ cọc: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tiền đến 1 tỷ đồng