Đề xuất phê duyệt dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai
Việc đưa đoạn đường sắt này sẽ góp phần giải quyết nhu cầu đi lại trên trục Đông - Tây của Thủ đô, đồng thời thu hút một lượng lớn hành khách.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi công văn số 7418/BKHĐT-KTĐN tới lãnh đạo Chính phủ về đề xuất dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ phê duyệt dự án này với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) trong đó UBND TP. Hà Nội sẽ làm chủ đầu tư.
Bộ cũng đề xuất được giao trách nhiệm thông báo với ADB, AFD và KfW về việc dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, UBND TP. Hà Nội sẽ cần phối hợp với các cơ quan liên quan và các tổ chức tài chính quốc tế để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình lên cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các bước triển khai tiếp theo.
>> Huyện ven Hà Nội tiếp tục tổ chức đấu giá đất dù đã bị ‘bùng’ hơn 50 lô
UBND TP. Hà Nội cũng được yêu cầu tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đường sắt đô thị, từ đó xây dựng phương án giải quyết cụ thể, đảm bảo mục tiêu và tiến độ đã được phê duyệt.
Trước đó, vào tháng 6/2024, UBND TP. Hà Nội đã gửi văn bản tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để giải trình và làm rõ một số nội dung liên quan đến đề xuất dự án này.
Dự án bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm và lắp đặt các phương tiện vận tải, cùng với hệ thống thiết bị cho cấp điện, thông tin tín hiệu và giám sát điều hành hoạt động tàu.
Theo đề xuất của UBND TP. Hà Nội, tuyến đường sắt số 3 (tuyến 3.2), đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai sẽ được xây dựng hoàn toàn ngầm, dọc theo các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu và Tam Trinh.
Tuyến đường sắt sẽ đi qua các nút giao thông lớn như Ô Đống Mác (Vành đai 1) và Mai Động (Vành đai 2), kết thúc sau Vành đai 3. Toàn tuyến sẽ có 7 ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở) và 1 khu lập tàu tại khu vực sát trạm bơm Yên Sở.
Tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án là 40.577 tỷ đồng, tương đương 1,752,78 triệu USD, trong đó ADB cho vay 801,65 triệu USD, KfW cho vay 258,05 triệu USD, AFD cho vay 198,62 triệu USD và vốn đối ứng từ phía Việt Nam là 494,46 triệu USD. Dự kiến dự án sẽ được thực hiện từ năm 2022-2029.
Hiện tại, đoạn tuyến đường sắt đô thị số 3 (3.1) - đoạn Nhổn – ga Hà Nội đang trong quá trình xây dựng và dự kiến sẽ đi vào vận hành vào năm 2027.
Việc đưa vào hoạt động đoạn tuyến 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai) sau đó sẽ hoàn thiện trục đường sắt Nhổn – ga Hà Nội - Hoàng Mai, góp phần giải quyết nhu cầu đi lại trên trục Đông – Tây của Thủ đô, đồng thời thu hút một lượng lớn hành khách.
>> Tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam chấm dứt dự án đất ‘cõi âm’ gần 500 tỷ đồng
Tuyến đường sắt dài 380km, đi qua 8 tỉnh thành, sở hữu 73 cây cầu lớn sẽ được khởi công vào năm 2027