Đề xuất tăng tổng mức đầu tư cao tốc Cao Lãnh-An Hữu

18-07-2023 16:46|Phan Trang

Cập nhật tình hình triển khai dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Bộ GTVT cho biết, ngay sau khởi công dự án thành phần 1 qua địa phận tỉnh Đồng Tháp, nhà thầu đã tiếp nhận mặt bằng thi công, tập kết máy móc, thiết bị, nhân sự, triển khai dọn dẹp mặt bằng để triển khai công tác đào vét hữu cơ, đường công vụ.

Đề xuất tăng tổng mức đầu tư cao tốc Cao Lãnh-An Hữu  - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu sẽ không thu phí nên sẽ tạo thuận lợi cho việc lưu thông và phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung

Tính đến hết tuần đầu tháng 7/2023, dự án thành phần 1 cũng đã được bàn giao mặt bằng hơn 93 ha, đạt hơn 92% tổng diện tích mặt bằng.

Chi phí vượt sơ bộ tổng mức đầu tư

Riêng dự án thành phần 2 có chiều dài hơn 11 km còn gặp khó do đi qua khu vực địa chất phức tạp, chiều dày tầng đất yếu lớn, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) tăng cao làm vượt sơ bộ tổng mức đầu tư.

Cụ thể, chi phí GPMB tăng khoảng 857 tỷ đồng do được cập nhật trên cơ sở số liệu rà soát thực tế; chi phí xây dựng tăng khoảng 584 tỷ đồng, do cập nhật khối lượng, đơn giá; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác tăng khoảng 131 tỷ đồng do được tính toán theo tỉ lệ phần trăm của chi phí xây dựng; chi phí dự phòng tăng hơn 200 tỷ đồng tương ứng.

Được biết, để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang xin ý kiến về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án. Sau khi có ý kiến của các đơn vị liên quan, Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Dự kiến khởi công 11 km cuối vào đầu năm 2024

"Nếu chủ trương đầu tư được phê duyệt điều chỉnh trong tháng 7/2023, chủ đầu tư sẽ triển khai các công việc liên quan để khởi công dự án vào tháng 1/2024”, Bộ GTVT thông tin.

Mới đây, chỉ đạo công tác triển khai dự án Cao Lãnh - An Hữu, tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án đường cao tốc và triển khai vốn ODA vùng đồng bằng sông Cửu Long vào đầu tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất với UBND tỉnh Đồng Tháp, chỉ đạo chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong tháng 7/2023.

Bộ KHĐT được giao nhiệm vụ cân đối nguồn ngân sách Trung ương, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ đối với phần kinh phí tăng thêm cho dự án theo quy định của pháp luật.

Ông Trương Hoà Châu, Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được đầu tư từ nguồn phục hồi phát triển kinh tế xã hội, vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ không thu phí nên sẽ tạo thuận lợi cho việc lưu thông và phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Theo ông Châu, để đón đầu khi tuyến cao tốc này hoàn thành, tỉnh Đồng Tháp đã quy hoạch định hướng phát triển các cụm liên kết ngành, chuỗi kết nối và đưa vào quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có chiều dài hơn 27 km được chia làm 2 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 1 dài 16 km qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp; dự án thành phần 2 dài hơn 11 km qua địa phận 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang.

Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô phân kỳ 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m. Tổng mức đầu tư gần 5.900 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027.

Ưu tiên xây dựng hệ thống giám sát giao thông trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ

Sếp Hòa Phát: Chúng tôi hoàn toàn đủ năng lực cung cấp thép cho dự án đường sắt tốc đọ cao Bắc - Nam

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/de-xuat-tang-tong-muc-dau-tu-cao-toc-cao-lanh-an-huu-102230718110419212.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đề xuất tăng tổng mức đầu tư cao tốc Cao Lãnh-An Hữu
    POWERED BY ONECMS & INTECH