Đề xuất Thủ tướng quyết chủ trương đầu tư dự án công dưới 30.000 tỷ đồng
Dự thảo đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, quy mô dự án nhóm A, B, C tăng gấp 2 lần so với quy định hiện hành.
Sáng ngày 29/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình Quốc hội Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sửa đổi Luật Đầu tư công lần này sẽ giúp tăng phân cấp, phân quyền và tránh tạo cơ chế xin – cho, đùn đẩy trách nhiệm.
Một trong những điểm đáng chú ý trong lần sửa đổi này là Chính phủ đề xuất điều chỉnh về tiêu chí mức vốn để xác định dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A, B, C.
Theo đó, dự thảo đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, quy mô dự án nhóm A, B, C tăng gấp 2 lần so với quy định hiện hành.
Giải thích cho đề xuất này, Chính phủ cho biết, quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia và các nhóm A, B, C được quy định tại Luật Đầu tư công năm 2014 và vẫn giữ nguyên trong luật năm 2019.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2013-2024, quy mô GDP tăng khoảng 2,5 lần, tổng chi ngân sách Nhà nước tăng 2,9 lần. Cùng với đó, nhiều yếu tố như mặt bằng giá cả, chi phí nhân công, các định mức đầu tư xây dựng cũng đã thay đổi.
Do vậy, việc Chính phủ đưa đề xuất thay đổi quy mô về vốn trong tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C là cần thiết và tương ứng với sự thay đổi quy mô GDP, cũng như các yếu tố trượt giá và vòng đời của dự thảo.
Về nội dung nâng quy mô vốn đầu tư công, phần lớn ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách đều cho rằng việc này là cần thiết. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cần phải được tính toán theo một tỷ lệ thống nhất giữa các dự án.
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhấn mạnh: “Đề nghị xem xét thêm mức tăng quy mô vốn của các nhóm dự án so với quy định hiện hành để phù hợp với mức tăng trưởng GDP, năng lực quản lý dự án của các bộ, ngành, địa phương và chỉ số giá xây dựng quốc gia đã được ban hành qua các năm”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: P.Thắng |
Ngoài ra, một điểm mới nữa trong đợt sửa đổi lần này là người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương được quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô dưới 10.000 tỷ đồng. Dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến dưới 30.000 tỷ đồng sẽ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Phân cấp thẩm quyền cho Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A có quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng, nhóm B và nhóm C do địa phương quản lý.
Về vấn đề này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với nhóm dự án A, phân cấp UBND các cấp quyết định đầu tư dự án nhóm B,C. Ngoài ra, đối với cấp huyện, cần bổ sung giao cho HĐND cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, phân cấp UBND cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm C.
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Cú hích 0,97 điểm % cho GDP và tương lai nền kinh tế Việt Nam
Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong chậm giải ngân vốn đầu tư công