Vĩ mô

Tại sao Việt Nam chưa thể làm chủ công nghệ chế biến sâu đất hiếm – ‘quân cờ chiến lược’ mà quốc gia nào cũng thèm khát?

Phúc Lam 30/10/2024 08:15

Mặc dù không thực sự hiếm nhưng đất hiếm lại phân tán rải rác, khiến việc khai thác chúng trở nên khó khăn hơn.

Đất hiếm có rất nhiều ứng dụng trong thực tế, từ ứng dụng trong sản xuất các thiết bị công nghệ đến các sản phẩm quốc phòng. Trong nông nghiệp, đất hiếm giống như một lớp bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh. Ngoài ra, đất hiếm là một trong những nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn cho các ngành công nghiệp cao.

Với rất nhiều ứng dụng, đặc biệt trong những thiết bị quan trọng và đắt tiền, các mỏ đất hiếm là nguồn tài nguyên rất có giá trị và được xem là "vũ khí kinh tế bí mật". Quốc gia nào cũng muốn sở hữu nguồn cung đất hiếm dồi dào để có thể tự chủ công nghệ.

Theo ước tính của Tổ chức nghiên cứu địa chất Geological Survey của Mỹ, toàn cầu hiện có khoảng 120 triệu tấn đất hiếm. Trung Quốc dẫn đầu với 44 triệu tấn, trong khi Việt Nam đứng thứ hai với 22 triệu tấn, chủ yếu tập trung ở vùng núi Tây Bắc.

Dù đất hiếm có giá trị cao, việc khai thác chúng không phải là điều dễ dàng. Quá trình này không chỉ tốn kém mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Do đó nhiều quốc gia, mặc dù sở hữu trữ lượng lớn, vẫn ngần ngại khai thác.

Hiện nay, Việt Nam sở hữu hai mỏ đất hiếm chính thức được cấp phép khai thác là Đông Pao (Lai Châu) và Yên Phú (Yên Bái) nhưng 10 năm trôi qua mọi thứ dường như vẫn dậm chân tại chỗ.

Một trong những nguyên nhân của việc này là do các doanh nghiệp có giấy phép thăm dò khai thác nhưng không có công nghệ chế biến sâu dẫn đến việc đất hiếm chưa thực sự phát huy hiệu quả tại Việt Nam.

Trao đổi với báo Lao động & Xã hội, PGS. TS Hoàng Anh Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu cho biết tình hình khai thác các mỏ đất hiếm tại nước ta còn hạn chế là do các doanh nghiệp được cấp mỏ chưa làm chủ được công nghệ chế biến ra sản phẩm đạt yêu cầu như đất hiếm tổng hợp có hàm lượng trên 95%; đồng thời cũng chưa có công nghệ tách chiết ra các sản phẩm riêng rẽ.

Công nghệ phân chia riêng rẽ oxit đất hiếm và làm sạch đến độ sạch cao chỉ dừng lại ở những khâu nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và chưa có công nghệ nào được áp dụng trên thực tế.

Ông Sơn nhấn mạnh: “Công nghệ chế tạo kim loại đất hiếm, tạo ra các nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm cho ngành xe điện, điện gió, công nghiệp quốc phòng… đòi hỏi ở một trình độ công nghệ rất cao và gần như chưa bắt đầu ở nước ta".

Tại sao Việt Nam chưa thể làm chủ công nghệ chế biến sâu đất hiếm – ‘quân cờ chiến lược’ mà quốc gia nào cũng thèm khát?
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ từ các quốc gia tiên tiến cũng gặp nhiều khó khăn khi các quốc gia này thường giữ bí mật, hạn chế chia sẻ và đòi hỏi trình độ cao. Điều này khiến quá trình chuyển giao, học hỏi của Việt Nam gặp nhiều rào cản.

Từ trước đến nay, tất cả những công trình nghiên cứu đều chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm hoặc pilot. Ngoài ra, chất lượng tuyển không cao, chất lượng quặng tinh đất hiếm cuối cùng vẫn không đạt được như mong muốn.

Bên cạnh đó, một thách thức nữa đối với khai thác đất hiếm tại Việt Nam là quặng đất hiếm mỏ Đông Pao có thành thành phần vật chất phức tạp, quặng bị phong hóa mạnh, tỷ lệ cát hạt mịn trong quặng lớn. Ngoài ra, mỗi thân quặng của mỏ lại có những đặc trưng riêng về cấu trúc và thành phần vật chất quặng.

Vì vậy, để tối ưu hóa việc khai thác đất hiếm và không lãng phí nguồn tài nguyên quý giá này, Viện Khoa học vật liệu đề xuất tại các mỏ đất hiếm đã được cấp phép tại nước ta cần tiếp tục điều tra, khảo sát đánh giá trữ lượng, giá trị của các thành phần nguyên tố đất hiếm, trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ.

Ngoài ra, PGS. TS Hoàng Anh Sơn cũng đưa đề xuất giao cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiến hành xây dựng và phát triển chương trình nghiên cứu công nghệ chế biến sâu đất hiếm, phân chia riêng rẽ các oxit đất hiếm độ sạch cao, công nghệ chế tạo nam châm đất hiếm cho ngành công nghiệp ô tô điện, điện gió. Mục tiêu là đưa những công nghệ này vào sản xuất thực tế trong vòng 10 năm tới, mở ra những cơ hội phát triển mới cho nền công nghiệp Việt Nam.

>>Tỉnh của Tây Nguyên sở hữu 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới nhưng đang đứng trước nhiều nỗi lo và thách thức

Một tỉnh ở Bắc Trung Bộ chuẩn bị đấu giá nhiều mỏ khoáng sản, tạo đà phát triển kinh tế

Đất hiếm - ‘quân cờ chiến lược’ của các cường quốc nhưng đang bị lãng quên ở Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tai-sao-viet-nam-chua-the-lam-chu-cong-nghe-che-bien-sau-dat-hiem-quan-co-chien-luoc-ma-quoc-gia-nao-cung-them-khat-256510.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tại sao Việt Nam chưa thể làm chủ công nghệ chế biến sâu đất hiếm – ‘quân cờ chiến lược’ mà quốc gia nào cũng thèm khát?
    POWERED BY ONECMS & INTECH