Đến năm 2050: Hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không hàng đầu khu vực

14-07-2023 16:34|Phan Trang

Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến năm 2050 hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không hàng đầu khu vực - Ảnh 1.

Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Ảnh: ACV

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay đã được Bộ GTVT tổ chức lập từ tháng 4 năm 2020; được triển khai nghiên cứu bởi các đơn vị tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực GTVT là Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (TDSI). 

Đặc biệt, Quy hoạch có sự tham gia của một trong những công ty tư vấn nước ngoài hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hàng không là Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và kỹ thuật sân bay của Pháp (ADPi) thuộc Tập đoàn Aéroports de Paris (ADP). Đây là công ty đã tư vấn quản lý, thiết kế nhiều công trình cảng hàng không quốc tế lớn trên thế giới. 

Hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không ngang tầm khu vực

Quy hoạch đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng hàng không theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trong đó, về vận tải, tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không khoảng 275,9 triệu hành khách (chiếm 1,5-2% thị phần vận tải giao thông và chiếm 3-4% tổng sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh). Tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không khoảng 4,1 triệu tấn (chiếm 0,05-0,1% thị phần vận tải giao thông).

Về kết cấu hạ tầng: Ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng thủ đô Hà Nội (Cảng hàng không quốc tế Nội Bài) và vùng TPHCM (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành); từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả các cảng hàng không hiện hữu, tiếp tục nghiên cứu, đầu tư các cảng hàng không mới để nâng tổng công suất thiết kế hệ thống cảng hàng không đáp ứng khoảng 294,5 triệu hành khách, phấn đấu trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100 km.

Tầm nhìn đến 2050, hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế ngang tầm khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TPHCM. Đầu tư đưa vào khai thác các cảng hàng không mới phấn đấu khoảng 97% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100 km. Mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không tại các trung tâm kinh tế vùng, bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, Quy hoạch xác định việc bố trí các trung tâm logistics tại các cảng hàng không có nhu cầu vận tải lớn hơn 250.000 tấn/năm. Các trung tâm logistics bảo đảm các điều kiện về kho vận và kết nối các loại hình giao thông thích hợp để vận tải hàng hóa tại các cảng hàng không gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Đà Nẵng, Chu Lai, Long Thành, Cần Thơ và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu vận tải hàng hóa đạt tiêu chí nêu trên. Hình thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế tại cảng hàng không Chu Lai.

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Đến năm 2050 hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không hàng đầu khu vực - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/PT

Khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chính sách, giải pháp để triển khai thực hiện Quyết định số 648 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, lưu ý phấn đấu hoàn thành việc rà soát và quy hoạch/điều chỉnh quy hoạch chi tiết các cảng hàng không trong giai đoạn 2023 – 2025 để bảo đảm đồng bộ với quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng giao Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Kế hoạch – Đầu tư và các cơ quan trực thuộc Bộ GTVT tổ chức việc quản lý và tham mưu đề xuất các giải pháp cần thiết để triển khai quy hoạch đồng bộ, khả thi, hiệu quả; kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá, rà soát tình hình thực hiện quy hoạch.

Cục Hàng không tổng hợp, rà soát Đề án quy hoạch cảng hàng không mới của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện hoặc đưa ra ngoài quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch đối với các cảng hàng không chưa bảo đảm hiệu quả, tính khả thi trên cơ sở điều kiện, bối cảnh thực tế.

Ngoài ra, xây dựng, cập nhật, lưu trữ các cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, cung cấp thông tin về quy hoạch vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn giao Vụ Kế hoạch – Đầu tư chủ trì phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương rà soát và hoàn thiện Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Quyết định 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, giai đoạn 2021 – 2030 có 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc. 16 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa (sân bay Thành Sơn và sân bay Biên Hòa được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng); tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 640/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Tầm nhìn đến năm 2050, có 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc; 19 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hòa, Thành Sơn và Cảng hàng không thứ 2 phía đông nam, nam Thủ đô Hà Nội.

Đến năm 2050, cả nước có 33 cảng hàng không

Bamboo Airways lên tiếng giữa bão tin đồn một doanh nghiệp hàng không phá sản

Đôn đốc lựa chọn nhà thầu gói thầu 5.10 Dự án Cảng hàng không Long Thành

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/den-nam-2050-hinh-thanh-2-trung-tam-van-tai-hang-khong-hang-dau-khu-vuc-102230714130032828.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Đến năm 2050: Hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không hàng đầu khu vực
POWERED BY ONECMS & INTECH