Chứng khoán

Đèo Cả cập nhật tình hình 2 dự án trọng điểm có tổng mức đầu tư gần 35.000 tỷ đồng

Lan Phương 06/08/2024 10:50

Đèo Cả Group, HHV, Lizen (LCG),... đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ thực hiện 2 dự án đầu tư công trọng điểm.

Ngày 30/7 vừa qua, Tập đoàn Đèo Cả tổ chức chương trình kiểm tra thực tế tình hình thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn). Mục tiêu là xử lý những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện 2 dự án.

Tại dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh, theo báo cáo của doanh nghiệp dự án (DNDA), đến nay, công tác khảo sát hiện trường và làm phòng thí nghiệm hoàn thành 100%, thiết kế kỹ thuật đạt 97%. Dự kiến tháng 9/2024, việc thẩm định thiết kế kỹ thuật được hoàn thiện. DNDA đã huy động 595 nhân sự, 232 máy móc thiết bị, triển khai 25 mũi thi công, sản lượng thực hiện 150/9.700 tỷ (khoảng 1,6%).

Trong công tác GPMB, tỉnh Cao Bằng đã bàn giao 33,37/41,55 km tương đương 85,11%, một số phân đoạn được bàn giao mặt bằng nhưng còn vướng về thủ tục đền bù cho người dân. Tỉnh Lạng Sơn đã bàn giao 7,3/51,8km (đạt 14,09%), UBND tỉnh đã phân bổ chỉ tiêu đất cho 2 huyện Văn Lãng và Tràng Định tuy nhiên thực tế đến nay chưa đạt như chỉ tiêu.

Về mỏ vật liệu, đại diện DNDA cho biết: “Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, mỏ vật liệu đá, cát chưa đáp ứng để thi công các hạng mục bê tông mác cao, chỉ có 2/9 mỏ đất đảm bảo điều kiện khai thác theo cơ chế đặc thù. Thực tế trên dẫn đến phát sinh chi phí vận chuyển, cần sớm khắc phục”.

DNDA đã kiến nghị UBND tỉnh Cao Bằng khẩn trương bàn giao mặt bằng; có hướng dẫn thực hiện cơ chế cải tạo đất dôi dư phục vụ dự án, đồng thời, hỗ trợ DNDA làm việc với các mỏ vật liệu thương mại trên địa bàn 2 tỉnh để đảm bảo nguồn và bình ổn giá vật liệu.

Dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 16/1/2023 với chiều dài toàn tuyến khoảng 121 km, tổng vốn đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng.

Trong đó, giai đoạn 1 có chiều dài 93,35 km, điểm đầu tại tại nút giao Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng). Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 14.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Dự án do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Đầu tư và xây dựng ICV Việt Nam, CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - CTCP Xây dựng Công trình 568 làm chủ đầu tư.

Tại dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, DNDA tập trung 120 nhân sự và 71 máy móc thiết bị, triển khai đồng thời 6 mũi thi công tại các vị trí mặt bằng đã được bàn giao có thể tiếp cận. Mục tiêu đến tháng 12/2025 thông toàn tuyến.

DNDA cho biết, địa phương đã bàn giao 5,58 km/59,87 km mặt bằng nhưng mặt bằng còn “xôi đỗ”, chưa đáp ứng mặt bằng đối với các đoạn DNDA đã đăng ký theo mốc thời gian do chậm trong công tác trích đo, kiểm kê, xác định nguồn gốc đất và vướng mắc một số thủ tục về bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

“DNDA đã tiếp tục gửi văn bản đề xuất UBND các huyện, thành phố về kế hoạch nhận bàn giao mặt bằng. DNDA kiến nghị địa phương tập trung đẩy nhanh công tác GPMB đối với các phân đoạn ưu tiên mở mũi thi công, đồng thời, thúc đẩy các huyện phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư để giải ngân vốn nhà nước hỗ trợ GPMB. Kế hoạch nhận mặt bằng các phân đoạn ưu tiên trước 10/8/2024 và bàn giao đồng loạt trước tháng 9/2024”, đại diện DNDA Hữu Nghị - Chi Lăng cho biết.

Đèo Cả cập nhật tình hình 2 dự án trọng điểm có tổng mức đầu tư gần 35.000 tỷ đồng
Bản đồ cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Về bãi thải, để giải quyết khó khăn trong việc chưa đủ trữ lượng chứa đất dư thừa của dự án, DNDA đã đề nghị tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công khảo sát bổ sung các vị trí bãi đổ thải mới. Đồng thời, DNDA kiến nghị tỉnh chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra thực địa vị trí đổ thải do nhà đầu tư đề xuất và trình UBND tỉnh thống nhất để phục vụ dự án.

Dự án tuyến cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, loại hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án là 5.495 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư thu xếp đạt 5.529 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2024 - 2026. Nhà đầu tư dự án là liên danh CTCP Xây dựng Đèo Cả - CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Xây dựng công trình 568 - CTCP Lizen (LCG).

Sau khi kiểm tra thực tế và nghe báo cáo tình hình thực hiện các dự án, ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đề nghị đối với công tác GPMB, tại dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh, DNDA rà soát các vị trí mặt bằng chưa được bàn giao, trao đổi và tính toán phương án tạm ứng trước để người dân bàn giao mặt bằng thi công trong khi chờ hoàn thiện thủ tục. Tại dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, DNDA tiếp tục phối hợp với địa phương, tập trung đẩy mạnh GPMB, lập tiến độ GPMB gửi UBND tỉnh trên cơ sở tính toán thời gian thi công còn lại.

Cũng trong buổi làm việc, nhiều kiến nghị, giải pháp được các nhà đầu tư, DNDA và các nhà thầu đưa ra trao đổi, có ý kiến tư vấn của các cố vấn Tập đoàn nhằm tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án.

>> Doanh nghiệp sàn HoSE cạnh tranh cùng loạt nhà thầu để ‘giành slot’ trong dự án trọng điểm quy mô 11.000 tỷ đồng tại TP HCM

Siêu dự án điện khí 2,2 tỷ USD đang được gấp rút tháo gỡ ‘nút thắt’ trước khi khởi động

VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đón thêm khách sộp: Chốt đơn 600 chiếc VF 3

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/deo-ca-cap-nhat-tinh-hinh-2-du-an-trong-diem-co-tong-muc-dau-tu-gan-35000-ty-dong-244449.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Đèo Cả cập nhật tình hình 2 dự án trọng điểm có tổng mức đầu tư gần 35.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS & INTECH