Sáng nay (29/4), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã chứng khoán: VPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 với nhiều nội dung quan trọng như: kế hoạch kinh doanh 2024, kế hoạch phân phối lợi nhuận, tăng vốn, nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng...
Mở đầu Đại hội, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh phát biểu, năm 2023, tổng cầu nền kinh tế sụt giảm, chứng kiến cùng lúc 3 cuộc khủng hoảng: Khủng hoảng thanh khoản toàn hệ thống đẩy lãi suất lên rất cao, xảy ra khan hiếm vốn; khủng hoảng trái phiếu; và khủng hoảng liên quan đến BĐS, khi sau nhiều năm tăng trưởng, thị trường BĐS bắt đầu đi xuống.
3 cuộc khủng hoảng trên đã tác động mạnh mẽ đến ngành ngân hàng nói riêng và ảnh hưởng đến nền kinh tế chung. VPBank cũng không nằm ngoài ảnh hưởng bất lợi, xuất phát từ cho vay cộng đồng tài chính tiêu dùng - vốn là phân khúc bị ảnh hưởng lớn, từ đó, mức độ tác động trông thấy thông qua kết quả kinh doanh của FE Credit.
Ngoài ra, đối với lĩnh vực bất động sản, VPBank tham gia tương đối lớn. Tuy vậy, việc đình trệ dự án trong năm qua đã ảnh hưởng đến người mua nhà, khi lãi suất cao, khách hàng chậm thanh toán. Dư nợ mua nhà chững lại trong năm qua, tuy nhiên, ảnh hưởng của danh mục là không nhỏ. Đối với doanh nghiệp SME - phân khúc trọng tâm của VPBank bị ảnh hưởng rất lớn do đây cũng là phân khúc dễ bị tổn thương nhất trong năm khó khăn vừa qua.
Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh trình bày về 4 định hướng và thành tựu của VPBank trong năm 2023 |
Trước 3 cuộc khủng hoảng, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, VPBank năm vừa qua đã thực hiện 4 định hướng. Cụ thể, Ngân hàng xác định an toàn, duy trì bảng cân đối lành mạnh là ưu tiên hàng đầu. Duy trì cơ cấu huy động, đặc biệt phân khúc quan trọng là KH cá nhân, khi phân khúc này đóng góp chủ yếu trong tăng trưởng huy động với quy mô đạt hơn 291 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 62% tổng huy động của ngân hàng.
Tập trung vào việc củng cố cơ sở vốn, năm 2023, VPBank đã thành công tăng vốn điều lệ từ 67.434 tỷ đồng lên 79.339 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sau khi hoàn tất thương vụ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho SMBC, với giá trị thương vụ lớn nhất ngành ngân ngân hàng là 35,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD), vốn chủ sở hữu hợp nhất của VPBank tăng lên gần 140 nghìn tỷ đồng tại cuối năm 2023. VPBank qua đó trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu đứng thứ 2 hệ thống, tỷ lệ CAR hợp nhất theo Basel II tăng lên 17,1%, vượt xa yêu cầu 8% của NHNN.
Mở rộng hệ sinh thái, phát triển tăng số khách hàng, với tổng số 30 triệu khách hàng trong hệ sinh thái, VPBank tiếp tục đầu tư vào công nghệ và nền tảng. Bên cạnh đó, tập trung vào ESG, VPBank đã tiên phong xây dựng Khung quản lý rủi ro ESG và áp dụng trên phạm vi toàn hàng, đồng thời xây dựng chiến lược rõ ràng và hệ thống quản trị hiệu quả - được Moody’s đánh giá điểm ESG đạt mức 2/5.
Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh phát biểu, những năm gần đây, VPBank tập trung tất cả các mảng, phân khúc khác nhau như: Doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa, ngân hàng đầu tư (công ty chứng khoán VPBankS, quản lý tài sản), doanh nghiệp nước ngoài FDI… bên cạnh phân khúc khách hàng cá nhân, tiêu dùng truyền thống.
Chủ tịch Ngô Chí Dũng cũng cho biết, nếu trước đây, nói đến VPBank là ngân hàng bán lẻ, cho vay cá nhân và khách hàng Doanh nghiệp SME thì hiện nay, VPBank với sự hỗ trợ từ đối tác chiến lược SMBC sẽ trở thành ngân hàng đa năng, chú trọng cả tới phân khúc khách hàng lớn.
Ngày trước, quy mô vốn ngân hàng còn thấp, nên có nhiều điều muốn nhưng chưa làm được, nay với sự hợp tác lớn của đối tác chiến lược SMBC, VPBank tin tưởng đủ tầm và nguồn lực để phục vụ và phát triển đồng bộ các phân khúc khách hàng.
Nhấn mạnh về sự tập trung khi sẽ triển khai nhiều phân khúc khách hàng, Ban lãnh đạo VPBank cho biết đã đầu tư hệ thống và các chương trình để đảm bảo các định hướng quan trọng vẫn tiếp tục giành được sự ưu tiên cao nhất, đồng thời vẫn mở rộng ra các cơ hội từ các định hướng tiềm năng khác.
Tại Đại hội, VPBank trình ĐHĐCĐ kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 tăng 114% so với năm 2023, tương đương 23.165 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ dự kiến đóng góp 20.709 tỷ đồng, công ty chứng khoán VPBankS góp 1.902 tỷ đồng và công ty bảo hiểm OPES đóng góp 873 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý I, CEO Nguyễn Đức Vinh cho biết ngân hàng ghi nhận những con số khả quan, lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.200 tỷ đồng.