Sáng ngày 14/06/2022, ĐHĐCĐ thường niên của Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO 3, HOSE: PGV) đã được tổ chức. Tại đại hội, PGV đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ đạt 1.827 tỷ đồng, giảm gần 40% so với con số thực hiện năm 2021.
Tại Đại hội, EVNGenco3 thông qua kế hoạch sản lượng điện năm 2022 là gần 28,5 tỷ kWh, tăng 10% so với thực hiện năm trước. Mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ lần lượt hơn 45 ngàn tỷ đồng và 1.827 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 14% và 39% so với kế hoạch năm 2021.
Tuy nhiên, đây thực chất là một mục tiêu khá khiêm tốn nếu so với kết quả kinh doanh thực tế năm qua của PGV khi đạt lãi ròng tới hơn 3 ngàn tỷ đồng, vượt kế hoạch 230,37%. So với con số thực hiện, Công ty đang đặt kế hoạch giảm gần 40%.
Lý giải cho sự thận trọng này, ông Lê Văn Danh - Tổng Giám đốc EVNGenco3 nhận định mục tiêu như vậy là phù hợp khi năm 2022 có những yếu tố ảnh hưởng quyết định đến đầu vào, đặc biệt việc giá nhiên liệu than tăng cao đột biến. Ngoài ra, nhu cầu dùng điện thấp sẽ ảnh hưởng đến sản lượng điện, giảm khoảng 3 tỷ kWh so với bình quân các năm trước, qua đó tác động đến doanh thu và lợi nhuận của Công ty.
Bên cạnh đó, ông Danh cho biết lợi nhuận 5 tháng đầu năm 2022 của Công ty đã là 1.304 tỷ, thực hiện 68,4% kế hoạch năm. Do đó, ông Danh tin rằng mục tiêu kinh doanh năm tới hoàn toàn có thể đạt được.
Giai đoạn 2022 - 2025, EVNGenco3 sẽ tiếp tục tham gia góp vốn và đầu tư vào các dự án nguồn điện mới - bao gồm các loại hình nhà máy điện (NMĐ): Tuabin khí LNG, thủy điện, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… với tổng quy mô công suất 2.613MW (trong đó điện gió chiếm 750MW, điện khí 1.500MW, còn lại là các nhà máy thủy điện nhỏ). Công ty cũng nghiên cứu thị trường để mua bổ sung nguồn khí LNG cho NMĐ khí Phú Mỹ và triển khai các gói thầu bổ sung than nhiên liệu cho NMĐ than Vĩnh Tân 2.
Về tình hình giá thị trường điện trong thời gian tới, ông Danh cho rằng trong tháng 6 và quý 3, do lượng nước trong các hồ thủy điện (như hồ thủy điện Sơn La) đang ở mức cao nên mức giá nhiệt điện (điện khí và điện than) sẽ thấp. Tuy nhiên qua quý 4, các hồ thủy điện cần tích trữ nước để chuẩn bị cho mùa khô năm kế tiếp. Thời điểm này, ông Danh nhận định nguồn phát chủ yếu sẽ nằm ở khối khí và khối than, qua đó đẩy giá nhiệt điện thị trường lên cao.
Với việc giá than tăng cao, một cổ đông đã đặt ra câu hỏi về sự ảnh hưởng cung ứng than đến khả năng hoạt động của EVNGenco3 khi điện than chiếm tới 43% cơ cấu. Ông Danh cho biết, nhà máy Nhiệt điện Mông Dương đã có hợp đồng dài hạn với 2 nhà cung cấp lớn là TKV và Đông Bắc với nguồn cung ổn định, đảm bảo đáp ứng 100% lượng than cho nhà máy. Đồng thời, nhà máy luôn đảm bảo trữ lượng than tồn kho cao, đáp ứng khả năng vận hành của hệ thống.
Đối với nhà máy Vĩnh Tân 2, sự ảnh hưởng sẽ lớn hơn do hợp đồng cung ứng than với 2 nhà cung cấp nêu trên chỉ chiếm 60%, còn lại là đấu thầu giữa các nhà cung ứng trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên do ảnh hưởng từ cuộc xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine, giá than nhập khẩu đã tăng vượt trần và liên tục neo cao. Ông Danh cho biết tình trạng này đã phần nào được tháo gỡ đưa tình hình sản xuất Vĩnh Tân 2 trở lại ổn định.
Với lãi ròng 2021 tăng đột biến, EVNGenco3 nâng tỷ lệ thực hiện chia cổ tức tiền mặt năm 2021 từ 7% lên 13%. Tỷ lệ trả cổ tức 2022 dự tính là 11%.
Kỳ đại hội lần này thông qua việc miễn nhiệm ông Trương Quốc Phúc thành viên HĐQT đại diện 30% vốn góp của EVN. Ông Phúc nghỉ chế độ hưu trí bắt đầu từ ngày 01/05/2022, qua đó cũng thôi đại diện phần vốn của EVN tại PGV. Số lượng thành viên HĐQT giảm còn 4 người, được duy trì đến khi có thể bổ sung thành viên mới.
EVNGenco3 dự tính mức thù lao chi trả cho HĐQT (4 thành viên bao gồm Chủ tịch HĐQT) và BKS (3 thành viên) là gần 3,3 tỷ đồng trong năm 2022.
Doanh thu quý I cao nhất trong hai năm
Quý I/2022, EVNGenco3 ghi nhận mức doanh thu cao nhất trong hai năm trở lại đây. Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh chính đạt 10.905 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là khoảng thời gian nền kinh tế nói chung và ngành điện nói riêng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Sản lượng điện sản xuất cùng giá bán bình quân tăng là nguyên nhân chính giúp doanh thu của EVNGenco3 tăng trưởng mạnh. Lợi nhuận gộp thậm chí tăng gấp rưỡi nhờ biên lãi gộp được cải thiện từ mức 9,1% cùng kỳ lên 12% trong quý vừa qua.
Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính lại chỉ tương đương 27% cùng kỳ năm trước. Lãi chênh lệch tỷ giá hồi quý I/2021 thu về 411 tỷ đồng nhưng chỉ đạt 67 tỷ đồng trong quý vừa qua.
Sự phục hồi của hoạt động kinh doanh chính giúp bù đắp đáng kể phần hụt đi của khoản doanh thu tài chính. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất nhờ vậy đạt 844 tỷ đồng, tăng 53 tỷ đồng, tương đương mức tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/6 cổ phiếu PGV tăng 450 đồng lên mức 29.000/cổ phiếu với khối lượng giao dịch 49.700 đơn vị.