Đi đầu nhóm G7, quốc gia khởi xướng Cách mạng Công nghiệp chính thức dừng sản xuất điện than sau 142 năm
Sự kiện này nằm trong lộ trình đóng cửa toàn bộ nhà máy nhiệt điện than trước năm 2025 để giảm khí thải carbon của Anh.
The New York Times đưa tin, Ratcliffe-on-Soar, nhà máy điện than cuối cùng của Anh đã đóng cửa vào ngày 30/9.
Với thông báo này, nước Anh sẽ chấm dứt 142 năm sản xuất điện than và cũng là quốc gia đầu tiên của nhóm G7 thực hiện quyết định này. Đáng chú ý, Anh là quốc gia khởi xướng Cuộc Cách mạng Công nghiệp đầu tiên trên thế giới.
Được biết, sự kiện nằm trong lộ trình đóng cửa toàn bộ nhà máy nhiệt điện than trước năm 2025 để giảm khí thải carbon của Anh.
“Vương quốc Anh đã chứng minh rằng có thể loại bỏ dần điện than với tốc độ chưa từng có”, Julia Skorupska, Trưởng Ban thư ký Powering Past Coal Alliance (PPCA) cho biết. (PPCA là liên minh gồm khoảng 60 quốc gia đang tìm cách chấm dứt việc sử dụng than đá).
Nhà máy điện chạy bằng than đầu tiên trên thế giới là nhà máy điện Holborn Viaduct, được xây dựng vào năm 1882 tại London bởi nhà phát minh Thomas Edison. Từ thời điểm đó cho đến nửa đầu thế kỷ XX, than đá cung cấp hầu hết điện năng cho Vương quốc Anh, cung cấp điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Năm 1990, than đá cung cấp khoảng 80% điện năng của Anh. Đến năm 2012, con số này giảm xuống còn 39% và đến năm 2023 chỉ còn 1%, theo số liệu từ National Grid. Hơn một nửa lượng điện của Anh hiện nay đến từ các nguồn tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, và phần còn lại đến từ khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân, CNN viết.
“Mười năm trước, than là nguồn năng lượng chính của đất nước, tạo ra 1/3 lượng điện của chúng tôi. Vì vậy, để đạt được cột mốc này chỉ sau một thập kỷ, với sự thay thế than bằng các nguồn carbon sạch và thấp, là một thành tựu đáng kinh ngạc”, Dhara Vyas, Phó Giám đốc điều hành của Cơ quan thương mại Energy UK cho biết.
Theo CNN, NYT
>> Chủ tịch Fed thông báo về đợt hạ lãi suất tiếp theo nhưng bất ngờ trái với kỳ vọng của thị trường