Di dời 13 triệu m3 đất đá, huy động hơn 2.500 công nhân đào xuyên lòng núi xây dựng ‘siêu’ dự án đường hầm tàu hỏa dài nhất thế giới, mỗi năm hút 6 triệu khách
Công trình này đã được ghi nhận trong sách kỷ lục Guinness là “đường hầm tàu hỏa dài nhất thế giới”.
Ngày 1/6/2016 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong ngành giao thông vận tải toàn cầu khi Thụy Sĩ chính thức khánh thành đường hầm tàu hỏa Gotthard Base, một kỳ quan kỹ thuật nằm sâu trong dãy núi Alps hùng vĩ.
Theo Britannica, tuyến đường hầm này kết nối hai thành phố của Thụy Sĩ là Erstfeld và Bodio được khởi công xây dựng bắt đầu vào năm 1999. Công trình đánh dấu sự khởi đầu của một trong những dự án hạ tầng giao thông lớn nhất và tham vọng nhất của thế kỷ. Được thực hiện trong khuôn khổ dự án AlpsTransit, đường hầm Gotthard là một phần quan trọng của kế hoạch này.
Theo đó, đường hầm Gotthard với chiều dài 57km, được xây dựng để thay thế đoạn đường sắt cũ chạy qua các đồi núi của tuyến Gotthardbahn, một tuyến đường sắt lịch sử đã phục vụ từ thế kỷ XIX.
Để hiện thực hóa dự án này, hơn 2.500 kỹ sư, công nhân đã được huy động, làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt và đầy thử thách. Công việc thi công đường hầm không chỉ đơn thuần là việc đào đất xuyên lòng núi mà còn bao gồm việc di dời khối lượng khổng lồ 13 triệu m3 đất đá. Để hình dung được quy mô khổng lồ của khối lượng đất đá này, có thể so sánh nó với việc xây dựng 5 kim tự tháp Cheops khổng lồ của Ai Cập.
Đường hầm Gotthard hoàn thành cơ bản vào ngày 30/8/2015. Ngay sau đó, vào ngày 1/10/2015, công trình bắt đầu được đưa vào giai đoạn thử nghiệm để đảm bảo mọi hệ thống hoạt động đúng như mong đợi. Qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt, đường hầm Gotthard chính thức được đưa vào vận hành thương mại vào tháng 12/2016.
Với thiết kế tiên tiến, tuyến đường hầm này cho phép các chuyến tàu chở khách di chuyển với tốc độ tối đa lên đến 250km/h, mang lại trải nghiệm hành trình nhanh chóng và tiện lợi. Đối với các chuyến tàu chở hàng, vận tốc tối đa được quy định là 160km/h, đảm bảo hiệu quả vận chuyển hàng hóa một cách nhanh chóng và an toàn.
Sự cải thiện đáng kể này đã làm giảm thời gian di chuyển từ thành phố Zurich (Thụy Sĩ) đến Milan (Italy) từ 3 tiếng 30 phút xuống còn khoảng 2 tiếng 30 phút, giúp rút ngắn hành trình và tạo thuận lợi lớn cho việc giao thương cũng như du lịch giữa hai quốc gia.
Đường hầm tàu hỏa Gotthard sau đó đã trở thành một trong những tuyến đường vận tải quan trọng nhất của châu Âu, đón tiếp khoảng 6,5 triệu lượt khách mỗi năm. Với mức độ hoạt động cao, mỗi ngày có từ 50 đến 80 chuyến tàu chở khách sẽ di chuyển qua đường hầm này, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của hành khách.
Bên cạnh việc phục vụ hành khách, đường hầm Gotthard cũng đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa. Ước tính khoảng 49 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua khu vực này mỗi năm, với khoảng 220 đến 260 chuyến tàu hàng hoạt động hàng ngày.
Dự án đường hầm Gotthard được xem là công trình hạ tầng lớn nhất trong lịch sử Thụy Sĩ, đã được ghi nhận trong sách kỷ lục Guinness là “đường hầm tàu hỏa dài nhất thế giới”. Với chiều dài 57,1 km, nó vượt qua mọi kỷ lục trước đó và thiết lập một chuẩn mực mới trong ngành xây dựng đường hầm.
Tuy nhiên, theo thông tin từ hãng tin Guardian, vào cuối năm 2023, đường hầm Gotthard ở vùng Ticino đã chịu thiệt hại nghiêm trọng sau một vụ tai nạn khi một đoàn tàu chở hàng trật bánh ngay bên trong đường hầm. Mức độ hư hại tại hầm Gotthard vượt xa so với những ước tính ban đầu của các cơ quan chức năng.
Cụ thể, sự cố đã gây ra thiệt hại nặng nề, với tổng cộng 8km đường ray và 20.000 thanh tà vẹt cần được thay thế.
Theo thông tin mới nhất từ trang Swissinfo.ch, công tác sửa chữa đường hầm Gotthard Base hiện đang được hoàn thiện dần và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 9/2024 tới đây. Sau khi hoàn thành, đường hầm sẽ trở lại hoạt động hoàn toàn, phục vụ cho việc di chuyển và vận tải, giúp khôi phục sự ổn định và hiệu quả của hệ thống giao thông vốn rất quan trọng đối với khu vực và toàn châu Âu.