Lộ trình di dời 2 nhà máy ô nhiễm, trả lại sự trong lành cho 'kinh đô ánh sáng' mới tại thành phố thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam
2 nhà máy này tiếp giáp với vùng vịnh đang được quy hoạch, từng nhiều lần xả bụi gây ô nhiễm môi trường.
Theo Quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố sẽ thực hiện việc xây dựng hầm đường bộ qua cửa vịnh Cửa Lục để kết nối giao thông cơ giới giữa 2 bờ vịnh.
Quảng Ninh sẽ tiến hành thực hiện quy hoạch cũng như thúc đẩy thu hút đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch và dịch vụ đồng bộ, hiện đại, hài hòa với thiên nhiên cùng cảnh quan tại hai vịnh nổi tiếng là Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới và Cửa Lục theo đề án phát triển ngành du lịch của tỉnh. Theo đó, mục tiêu đặc biệt là biến Cửa Lục trở thành "kinh đô ánh sáng" mới tại vịnh Cửa Lục.
Đường băng tải của một nhà máy xi măng vươn ra giữa vịnh Cửa Lục. Ảnh: Nguyễn Hùng
Tỉnh Quảng Ninh đặt ra định hướng rõ ràng, “đánh thức” tiềm năng và phát triển vịnh Cửa Lục. Do đó tỉnh có chủ trương di dời tất cả những nhà máy, dự án có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực xung quanh vịnh Cửa Lục, trong đó có Nhà máy xi măng Hạ Long và Nhà máy xi măng Thăng Long nằm xã Thống Nhất và Lê Lợi.
2 nhà máy này nằm ở xã Thống Nhất và Lê Lợi, bên bờ vịnh Cửa Lục, tiếp giáp với vịnh Hạ Long, từng nhiều lần xả bụi gây ô nhiễm môi trường. Không những vậy, để có nguồn nguyên liệu đá cho 2 nhà máy sản xuất xi măng và clinker, hàng loạt những dãy núi đá vôi phía bên trong sẽ mất dần, ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan khu vực xung quanh vịnh Cửa Lục.
Hai nhà máy xi măng gây ô nhiễm bên bờ vịnh Cửa Lục. Ảnh: Nguyễn Hùng
Dây chuyền 1 của Nhà máy xi măng Thăng Long tại xã Lê Lợi đi vào hoạt động năm 2008, với công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm; trong khi dây chuyền 1 của Nhà máy xi măng Hạ Long tại xã Thống Nhất, TP. Hạ Long với công suất thiết kế 2,07 triệu tấn xi măng/năm cho sản phẩm từ 2010.
Cả 2 nhà máy này đều có đường băng tải dài hàng km vươn ra giữa vịnh Cửa Lục với các bến cảng để xuất xi măng, clinker và tiếp nhận các nguyên vật liệu đầu vào.
Vịnh Cửa Lục nhìn từ trên cao xuống. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Trong đó, khu bến của Nhà máy xi măng Thăng Long, nằm đối diện với bến số 1 của Cảng Cái Lân, gồm 2 bến xuất clinker cho tàu 20.000DWT và bến xuất xi măng cho tàu 5.000DWT, xà lan 500 tấn, công suất khoảng 2,3 triệu tấn/năm.
Khu bến của Nhà máy xi măng Hạ Long gồm 1 bến nhập clinker cho tàu 10.000DWT; 2 bến xuất xi măng sà lan 300 tấn, công suất khoảng 2 triệu tấn/năm.
Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực này hiện nay là cần thiết, nhất là việc quy hoạch phát triển của Hạ Long theo hướng mới - xanh, thân thiện với môi trường, dù sẽ tốn kém cho cả doanh nghiệp và địa phương.
TP. Hạ Long được thành lập năm 1993 trên cơ sở địa giới hành chính của thị xã Hồng Gai và đã trở thành thủ phủ, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Tháng 12/2019, sau khi sáp nhập toàn bộ huyện Hoành Bồ, Hạ Long trở thành đô thị trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích và quy mô dân số.
Quảng Ninh vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ dự án nhà máy điện khí LNG trị giá 2,2 tỷ USD
Bước tiến lớn của ngành đóng tàu Quảng Ninh: Hạ thủy thành công tàu trọng tải 45.000 tấn