Đi trễ về sớm, nhiều lao động đến đúng giờ 'điểm danh rồi đi ăn sáng, uống trà', đem sản phẩm của công ty đi bán gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp

27-05-2024 18:30|Thùy Dung

Có những trường hợp xin nghỉ phép không có lý do chính đáng, làm việc không hiệu quả, ảnh hưởng đến đơn vị.

Có lao động tư lợi sản phẩm của doanh nghiệp

Đó là phản ánh của ông Mai Thiên Ân - Trưởng phòng sản xuất Công ty TNHH Intel Products Việt Nam tại Diễn đàn nâng cao năng suất lao động quốc gia ngày 26/05, khi chia sẻ về thực tế tại nhiều nơi làm việc ở Việt Nam. Ông Ân nhấn mạnh tác phong, kỷ luật làm việc còn bị xem nhẹ trong khi đây là yếu tố giúp tăng thu nhập lao động, nâng chất lượng sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp và góp phần nâng cao năng suất lao động quốc gia.

Ông chỉ rõ một số vấn đề của người lao động như không tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động gây ra các chấn thương. Ví dụ, có người không tuân thủ nội quy, giờ giấc, tác phong làm việc như đi trễ, về sớm, nghỉ giải lao không đúng thời gian quy định, có mặt ở cơ quan đúng giờ để điểm danh rồi ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc.

Ông Mai Thiên Ân - Trưởng phòng sản xuất Công ty TNHH Intel Products Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn nâng cao năng suất lao động quốc gia

Ông Mai Thiên Ân - Trưởng phòng sản xuất Công ty TNHH Intel Products Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn nâng cao năng suất lao động quốc gia

Trường hợp khác lại xin nghỉ phép không có lý do chính đáng, phối hợp trong công việc kém, làm việc nhóm không hiệu quả, ảnh hưởng đến đơn vị. Thậm chí, theo ông Ân, có người không tuân thủ quy định, lấy sản phẩm công ty để bán ra ngoài thị trường như trường hợp một doanh nghiệp, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, ảnh hưởng uy tín công ty.

Việc này còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, đến văn hóa và con người Việt Nam. Ngoài ra, có công nhân không tuân thủ quy trình sản xuất dẫn đến sản phẩm lỗi, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu doanh nghiệp và lòng tin của đối tác.

Trong bài phát biểu, ông Mai Thiên Ân cũng đề xuất một số ý kiến để nâng cao năng suất lao động. Theo ông, cần đào tạo, chấn chỉnh tác phong con người từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để dần hình thành "thói quen, nếp nghĩ, nếp làm". Học sinh cần được định hướng từ bậc phổ thông, đào tạo tác phong phù hợp ngành nghề đang theo học vì mỗi công việc cần ứng xử khác nhau.

"Quy chế tài chính cần cho phép công đoàn cơ sở có đủ nguồn lực trong chi tiêu cho việc đào tạo này, cũng như khen thưởng lẫn kỷ luật lao động", ông kiến nghị.

Trong khi đó, bà Phạm Thu Lan, Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho rằng mọi người lao động đi làm đều quan tâm tới tiền lương. người lao động dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Điều này giải thích tại sao tỉ lệ nhảy việc cao, 8-12% mỗi tháng ở các ngành đông lao động.

Trong quan hệ kinh tế, người lao động nhảy việc để tìm kiếm công việc phù hợp với kỹ năng, trình độ và phát huy tối ưu năng lực của bản thân là việc bình thường nhưng nhảy việc chỉ thuần túy để tìm kiếm mức lương cao hơn cho một công việc tương tự lại là sự lãng phí không đáng có.

“Một doanh nghiệp có 1.000 công nhân nhưng một tháng 100 công nhân liên tục ra vào. Doanh nghiệp này sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và nhân lực cho quảng cáo tuyển dụng, tổ chức phỏng vấn, đào tạo nhân viên… trong khi những chi phí này hoàn toàn có thể tiết kiệm để đầu tư cho tăng năng suất…” - bà Lan cho hay.

Vì vậy, bà Phạm Thu Lan đề xuất muốn tăng năng suất lao động cần “xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng”. Song song đó, cần lựa chọn nhà đầu tư tiên tiến, chất lượng, có tính tuân thủ pháp luật cao để đóng góp nâng cao năng suất lao động quốc gia.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề

Lắng nghe tham luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành, Công đoàn tiếp thu để hoàn thiện chính sách rồi tổ chức thực hiện nhằm nâng cao năng suất lao động quốc gia. Đây là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các nước, các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia, cũng là động lực để các nước đang phát triển vươn lên thoát bẫy thu nhập trung bình.

Hiện năng suất lao động nước ta tăng trưởng tích cực và liên tục trong suốt gần 40 năm đổi mới và hội nhập. Từ năm 2011 đến nay, theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động trong nước tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 188,7 triệu đồng/lao động năm 2023 - đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành, Công đoàn tiếp thu để hoàn thiện chính sách rồi tổ chức thực hiện nhằm nâng cao năng suất lao động quốc gia

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành, Công đoàn tiếp thu để hoàn thiện chính sách rồi tổ chức thực hiện nhằm nâng cao năng suất lao động quốc gia

Từ thực tế này, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và tổ chức công đoàn tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng - coi đây là nền tảng để tăng năng suất lao động. Trong đó, ông lưu ý gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành, lĩnh vực, bảo đảm đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý.

Trong nước cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức, từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ năng suất cao hơn. Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; nâng cao tỷ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp hoá nông nghiệp.

Mặt khác, theo Thủ tướng, doanh nghiệp cần chăm lo, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động về đãi ngộ, tiền lương, phúc lợi xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, đặc biệt là về nhà ở, triển khai tốt chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

>> Thủ tướng: Phải có bước đột phá về nhà ở cho người lao động trong thời gian tới

Doanh nghiệp 'cầm cự còn chẳng xong', nhu cầu mở rộng đâu mà vay vốn ngân hàng?

Một doanh nghiệp vận tải bị cưỡng chế ngừng sử dụng hoá đơn

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/di-tre-ve-som-nhieu-lao-dong-den-dung-gio-diem-danh-roi-di-an-sang-uong-tra-dem-san-pham-cua-cong-ty-di-ban-gay-thiet-hai-lon-cho-doanh-nghiep-d123737.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đi trễ về sớm, nhiều lao động đến đúng giờ 'điểm danh rồi đi ăn sáng, uống trà', đem sản phẩm của công ty đi bán gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp
    POWERED BY ONECMS & INTECH