Tình hình kinh tế – xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng đến nước ta. Xung đột quân sự giữa Nga – U-crai-na; lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng thấp trong năm nay,…
Tình hình kinh tế – xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng đến nước ta. Xung đột quân sự giữa Nga – U-crai-na; lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng thấp trong năm nay,… . Bên cạnh đó, cạnh tranh chiến lược, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng. Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm ổn định lại và hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm an sinh xã hội. Một số điểm sáng về tình hình kinh tế – xã hội nước ta trong tháng Năm và 5 tháng đầu năm như sau:
(1) Năng suất, sản lượng thu hoạch lúa đông xuân đạt kết quả tích cực, chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt khá do áp dụng mô hình nuôi tôm chất lượng cao hiệu quả
Năng suất gieo trồng lúa vụ Đông xuân năm 2023 của cả nước ước đạt 68,3 tạ/ha, tăng 1,5 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; sản lượng thu hoạch ước đạt 20,2 triệu tấn, tăng 184,6 nghìn tấn. Chăn nuôi trong tháng phát triển tương đối ổn định, trong đó: Số đàn lợn cuối tháng Năm tăng 2,6% so với cùng thời điểm năm trước; gia cầm tăng 1,3%; bò tăng 1,2%. Sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng Năm ước tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 2,9%, trong đó tôm tăng 2,6%.
(2) Sản xuất công nghiệp tháng Năm đã tích cực hơn[1]. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 năm 2023 tăng 2,2% so với tháng trước. Trong đó, sản xuất đồ uống tăng 11,1%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị tăng 9,9%; sản xuất kim loại tăng 9,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 6,5%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,7% …
(3) Hoạt động thương mại và dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm ước tính tăng 11,5%; vận chuyển hành khách tăng 13,6% và luân chuyển hành khách tăng 21,8%; vận chuyển hàng hóa tăng 20,7% và luân chuyển hàng hóa tăng 15,8%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, vận chuyển hành khách tăng 21,2% và luân chuyển tăng 41,9%; vận chuyển hàng hóa tăng 18% và luân chuyển tăng 17,9%.
Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,24 tỷ USD). Trong đó một số mặt hàng xuất siêu: Điện thoại và linh kiện 18,01 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 4,19 tỷ USD; thủy sản 2,27 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 1,41 tỷ USD; rau quả 1,11 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 785 triệu USD; dây điện và cáp điện 275 triệu USD…
(4) Chính sách mở cửa từ ngày 15/3/2022 sau dịch Covid-19 cùng với đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới trong thời gian qua nên khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5/2023 ước đạt 916,3 nghìn lượt người, gấp 5,3 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần.
(5) Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 25,5% kế hoạch, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 24,9% và tăng 10,8%), biểu hiện kết quả nỗ lực của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công nhằm tạo động lực tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung của kinh tế thế giới.
(6) Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước cho thấy Việt Nam tiếp tục là thị trường tiềm năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài thời gian tới. Tính đến ngày 20/5/2023, cả nước có 962 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn đăng ký đạt 5,26 tỷ USD, tăng 66,4% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27,8% về số vốn đăng ký (cùng kỳ năm 2022 có 578 dự án và số vốn đăng ký đạt 4,12 tỷ USD, giảm 5,7% về số dự án và giảm 53,4% về vốn đăng ký).
(7) Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 tăng 0,01% so với tháng trước và tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55%.
(8) Công tác bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Tai nạn giao thông, giảm cả về số vụ và số người bị tai nạn. Chính phủ đã hỗ trợ hơn 18,2 nghìn tấn gạo cho gần 205 nghìn hộ với hơn 1,2 triệu nhân khẩu. Số vụ tai nạn giao thông trong 5 tháng đầu năm nay giảm 15,7% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 12,5%; số vụ va chạm giao thông giảm 23,1%); số người chết giảm 15,1%; số người bị thương giảm 1,8% và số người bị thương nhẹ giảm 19,2% so với cùng kỳ năm trước.
[1] So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp sơ bộ tháng Ba và tháng Tư giảm khoảng 2%; tháng Năm ước tăng 0,1%.