Điều gì giúp Việt Nam tăng tiếp 8 bậc về an toàn, an ninh mạng toàn cầu?
Theo các chuyên gia, việc Việt Nam tăng tiếp 8 bậc về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu là kết quả nỗ lực trong hành trình dài, cho thấy cả về nhận thức và hành động các bên đã tốt hơn nhiều so với 4 năm trước.
Khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam
Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU hồi giữa tháng 9 đã công bố kết quả đánh giá chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu - GCI năm 2024. Theo đó, ở kỳ đánh giá thứ 5 này, Việt Nam nằm trong nhóm 46 nước dẫn đầu - những nước có tổng điểm từ trên 95 đến 100, cùng với nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý... ITU nhận xét, đây là nhóm quốc gia ‘làm gương’ thể hiện cam kết và nỗ lực mạnh mẽ về đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Báo cáo của ITU cũng cho thấy, với việc đạt tổng điểm 99,74/100, Việt Nam xếp thứ 17 cùng với Tây Ban Nha vì có tổng điểm bằng nhau, xếp sau 16 nước khác, gồm 13 nước cùng điểm tuyệt đối 100/100 và 3 nước Mỹ, Bồ Đào Nha, Singapore đều có tổng điểm 99,86.
Đáng chú ý, cùng với việc duy trì điểm số 20/20 ở 2 trụ cột pháp lý và hợp tác, năm nay Việt Nam còn có thêm 2 trụ cột khác là kỹ thuật, tổ chức cũng đạt điểm tuyệt đối, trong khi điểm của trụ cột nâng cao năng lực là 19,74.
Xét trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 trong 11 nước của khu vực này có tên trong nhóm nước dẫn đầu về GCI 2024. Còn trong khối các nước ASEAN, Việt Nam xếp thứ 3, chỉ sau Indonesia và Singapore. Như vậy, so với GCI 2020 được công bố năm 2021, Việt Nam đã tăng 8 bậc trên toàn cầu và tăng 1 bậc trong khối ASEAN.
Nhận xét về kết quả ấn tượng trên của Việt Nam, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - VNISA, Chủ tịch Công ty SCS cho rằng: Kết quả đánh giá lần này của ITU cho thấy những nỗ lực thời gian qua của Việt Nam trong đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và ứng phó với các mối đe dọa an ninh mạng.
“Nỗ lực này không chỉ trong vài ngày mà là cả một quá trình. Đồng thời, GCI 2024 cũng cho thấy sự quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực an toàn thông tin mạng tại Việt Nam đã có những kết quả đáng ghi nhận”, ông Ngô Tuấn Anh chia sẻ.
Nhấn mạnh an toàn, an ninh mạng đang là mối quan tâm chung của những người làm trong lĩnh vực viễn thông - Internet, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình cho hay: Việc được xếp ở nhóm dẫn đầu cho thấy sự ghi nhận của tổ chức quốc tế với những cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng.
Minh chứng cho nhận định của mình, ông Vũ Thế Bình phân tích: “Thực tế tại Việt Nam, trong 4 - 5 năm vừa qua, an ninh, an toàn không gian mạng được quan tâm rất nhiều từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các tổ chức, doanh nghiệp, và cả người dân. Các quy định pháp luật được xây dựng và hoàn thiện, các hoạt động liên quan đến lĩnh vực này cũng ngày càng nhiều hơn. Chắc chắn rằng, cả nhận thức và hành động của nhiều bên tại Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều so với thời điểm báo cáo GCI 2020 được thực hiện”.
Ở góc độ của chuyên gia đã có hơn 20 năm gắn bó với lĩnh vực an toàn thông tin, Chủ tịch VSEC Trương Đức Lượng bình luận: Ở cấp độ quốc gia, với mức điểm gần như tuyệt đối, có thể khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc duy trì và đảm bảo an toàn thông tin là rất mạnh mẽ và dũng cảm, nhất là khi nhìn vào GCI 2024 có nhiều quốc gia mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhiều Việt Nam nhưng xếp hạng ở mức dưới chúng ta.
Hướng tới mục tiêu tự chủ về an toàn, an ninh mạng
Phân tích kỹ hơn về những yếu tố để Việt Nam tiếp tục được ITU đánh giá cao về an toàn, an ninh mạng, ông Trương Đức Lượng cho rằng, cam kết của Việt Nam với lĩnh vực này được hiện thực hóa bởi hàng loạt hành động từ cấp độ cao nhất của Đảng và Nhà nước, trong đó đầu tiên là sự ra đời của Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về chiến lược an ninh mạng quốc gia (2018); tiếp đến là 2 luật quan trọng gồm Luật An toàn thông tin mạng (năm 2015) và Luật An ninh mạng (năm 2018), với nhiều điều khoản định hình việc quản lý, hướng dẫn và hợp tác về an toàn thông tin, an ninh mạng.
Nhiều quy định đã được Việt Nam đưa ra và triển khai như đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, phân định rõ các lĩnh vực thuộc hạ tầng trọng yếu quốc gia, bảo vệ dữ liệu cá nhân... Đây cũng là những quy định được đánh giá cao trong trụ cột pháp lý của GCI 2024.
Mặt khác, Việt Nam cũng đã có những quy định chuyên sâu về kỹ thuật, đặc biệt là sự hiện diện từ lâu của VNCERT (nay là VNCERT/CC) trong vai trò là đơn vị đầu mối điều phối ứng cứu sự cố khẩn cấp quốc gia và tiếp theo là của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC với vai trò giám sát toàn bộ không gian mạng. Bên cạnh đó, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng có trung tâm giám sát cho các tổ chức hạ tầng trọng yếu quốc gia.
“Các đơn vị kể trên khi hoạt động thực chất sẽ là tấm khiên vững chắc cho quốc gia để nhận diện và điều phối nguồn lực ứng cứu quy mô lớn trước các sự cố tấn công mạng. Đây là những nội dung rất quan trọng trong GCI 2024 và cũng giúp cho chúng ta đạt điểm cao, tiệm cận với điểm tối đa”, ông Trương Đức Lượng nêu quan điểm.
Dẫu vậy, đại diện VSEC cũng lưu ý, đi kèm theo cam kết mạnh mẽ về đảm bảo an toàn, an ninh mạng, về tổng thể, các cơ quan, tổ chức phải đối mặt với thách thức trong triển khai, bao gồm vấn đề gia tăng chi phí như chi phí tuân thủ, chi phí đào tạo, chi phí công nghệ.
Còn theo ông Ngô Tuấn Anh, điểm mấu chốt để Việt Nam tăng tiếp 8 bậc trong đánh giá GCI chính là sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về tầm quan trọng của an toàn, an ninh mạng với sự an toàn thịnh vượng quốc gia để từ đó có những chính sách, hành lang pháp lý cũng như đầu tư tốt hơn cho lĩnh vực này của Việt Nam những năm gần đây.
Chia sẻ quan điểm về các nội dung cần tập trung thời gian tới để Việt Nam có thể hiện thực hóa tầm nhìn trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng nhằm bảo vệ sự thịnh vượng của quốc gia trên không gian mạng, ông Ngô Tuấn Anh cho rằng: Bên cạnh việc tiếp tục cập nhật, hoàn thiện hành lang pháp lý về an ninh, an toàn thông tin, Việt Nam cũng cần quan tâm xây dựng và đưa các tiêu chuẩn an ninh, an toàn thông tin thành yêu cầu bắt buộc, không chỉ với các hệ thống hạ tầng, nền tảng số quốc gia, mà còn là tiêu chuẩn với các dịch vụ Internet được cung cấp tới người dân.
“Để tự chủ trong an toàn, an ninh mạng thì cần có các doanh nghiệp. Do đó, cần ưu tiên chọn các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam đủ năng lực cung cấp sản phẩm, dịch vụ; tạo thị trường để các doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam phát triển và bứt phá”, ông Ngô Tuấn Anh nhấn mạnh.
UBCKNN yêu cầu các CTCK tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng
Sẽ sớm có quy chuẩn về an toàn thông tin mạng cơ bản với camera giám sát