Điều gì xảy ra với các khoản đóng góp cho ứng viên tổng thống Mỹ?
Dưới đây là một số quy định khắt khe đối với các khoản tiền đóng góp dành cho ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ.
Theo trang Investopedia.com, Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC) Mỹ đã đặt ra nhiều quy định kiểm soát chi tiêu chặt chẽ đối với quỹ tài chính của ủy ban vận động tranh cử ứng viên tổng thống, ngay cả khi ứng viên quyết định rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng hay sau khi cuộc bầu cử kết thúc.
Cấm sử dụng các khoản đóng góp cho mục đích cá nhân
Các ứng viên tổng thống Mỹ không được phép sử dụng tiền trong quỹ vận động tranh cử cho mục đích cá nhân, sau khi tất cả chi phí liên quan tới chiến dịch tranh cử được thanh toán. Nói cách khác, tiền trong quỹ vận động “không được sử dụng cho khoản chi tiêu tồn tại độc lập với chiến dịch tranh cử”.
Các khoản chi phí được coi là sử dụng cá nhân bao gồm: các mặt hàng gia dụng; các khoản tiền thế chấp hoặc tiền thuê nhà ở cá nhân; các khoản thanh toán lương dành cho người thân trong gia đình ứng viên, trừ trường hợp các thành viên đó cung cấp những dịch vụ thiết thực dành cho chiến dịch tranh cử, đồng thời khoản thanh toán phản ánh giá trị của dịch vụ đó trên thị trường tự do.
Tuy nhiên, các ứng viên được phép chuyển tiền thừa từ những chiến dịch tranh cử trước đó để sử dụng cho chiến dịch ở thời điểm hiện tại. Chẳng hạn, Thượng nghị sĩ Dân chủ Bernie Sanders từng chuyển 12,7 triệu USD còn thừa từ những chiến dịch trước đó cho ủy ban tranh cử tổng thống Mỹ 2020 của bản thân ông này.
Việc hoàn tiền của các ứng viên từ bỏ tranh cử tổng thống
Đạo luật vận động tranh cử liên bang của Mỹ giới hạn số tiền bất kỳ cá nhân nào có thể quyên góp cho một ứng viên tranh cử ở mức 3.300 USD.
Tuy nhiên, một điều quan trọng cần lưu ý là cuộc bầu cử sơ bộ (bầu cử chỉ định ứng viên) và bầu cử tổng thống Mỹ được tính là 2 cuộc bầu cử riêng biệt. Điều này đồng nghĩa một cá nhân có thể đóng góp cho quỹ tranh cử của ứng viên tới 2 lần, với số tiền đóng góp tối đa lên tới 6.600 USD.
Nếu ứng viên đã nhận các khoản đóng góp cho chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, nhưng lại bỏ cuộc hoặc bị thua trong các cuộc bầu cử sơ bộ trước đó, thì các khoản đóng góp này phải được hoàn trả cho các nhà tài trợ cá nhân trong vòng 60 ngày. Ngoài ra, các ứng viên có thể phân phối lại quỹ bầu cử dưới sự cho phép của những người đóng góp.
Các khoản đóng góp cho chiến dịch tranh cử có phải chịu thuế không?
Theo Investopedia.com, tất cả các tổ chức chính trị đều phải chịu mức thuế theo mục 527 của Bộ luật Thuế vụ Mỹ. Do vậy, những người muốn đóng góp cho các chiến dịch tranh cử cần lưu ý các khoản tiền đóng góp của họ “không được coi là đóng góp từ thiện, nên không thể yêu cầu khấu trừ thuế”.
Tóm tắt chung
Các chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ có thể gây quỹ được hàng triệu hay thậm chí hàng tỷ USD thông qua khoản đóng góp từ các cá nhân và doanh nghiệp. Số tiền đóng góp cho quỹ tranh cử có thể dùng trong chi phí đi lại, hành chính hay các chi phí liên quan đến chiến dịch. Đồng thời, các ứng cử viên phải lưu giữ cẩn thận hồ sơ về nguồn gốc số tiền đóng góp và những khoản đã được chi ra.
Nhưng khi chiến dịch tranh cử của ứng viên phải ngừng vì bất kỳ lý do nào đó, ủy ban vận động tranh cử của ứng viên này phải tìm cách hoàn trả tiền cho các nhà tài trợ. Việc ứng viên sử dụng tiền quỹ tranh cử cho mục đích riêng bị cấm.