Định vị Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới

28-02-2024 06:41|Nguyễn Huy Viện

Chúng ta định vị Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới thế nào chứ không nên so những thành tựu hôm nay với quá khứ để từ đó có đột phá về tư duy, hoàn thiện thể chế cho đất nước phát triển thịnh vượng.

Tăng trưởng năm 2023 đạt 5,05% dù chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng cũng thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và khu vực. Tăng trưởng được thúc đẩy sẽ củng cố, tăng cường quy mô, tiềm lực và vị thế của nền kinh tế.

Thực tế là trong quá trình thực hiện đường lối Đổi mới, nhiều chủ trương, chính sách đã liên tục được điều chỉnh, ban hành đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, do là nền kinh tế chuyển đổi và mô hình phát triển nên khi ban hành chủ trương, quyết sách hiếm khi có sự đột phá mà phải rất thận trọng, mò mẫm theo kiểu “dò đá qua sông”, vừa thực hiện vừa điều chỉnh.

Cho nên, trong không ít trường hợp, không ít chủ trương, chính sách về cơ bản mang tính tình thế, chật ở đâu nới ở đó và chật đến đâu cơi nơi đến đó. Vì vậy, bước sang thập niên 2010, chiếc áo cơ chế trở nên quá chật chội, bó buộc đối với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương cũng như trên phạm vi cả nước.

tp ho chi minh.jpeg
Định vị Việt Nam trong bản đồ kinh tế toàn cầu chứ không thể dùng phương pháp tự ta so sánh với ta. Ảnh: VietNamNet

Mặc dù từ năm 1986 đến nay, thực hiện đường lối Đổi mới, Việt Nam đã cởi trói để người dân làm kinh tế tư nhân, thu hút hàng triệu tỷ đồng cho đầu tư, phát triển, sản xuất và kinh doanh. Cũng trong thời gian đó, chúng ta thu hút được hàng trăm tỷ USD vốn FDI và hàng trăm tỷ USD vốn vay ODA là những nguồn lực tài chính rất lớn. Bên cạnh đó, chúng ta trong giai đoạn dân số vàng, góp phần làm cho nền kinh tế phát triển ấn tượng.

Nhưng vì nghẽn về cơ chế nên chưa phát huy được tiềm lực kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp tư nhân, dù đã có chủ trương khu vực kinh tế này phải là một trong những động lực của nền kinh tế. Phải nói, chủ trương này, thông qua Nghị quyết 10 năm 2017 rất đúng để tiến theo xu thế không phải bàn cãi là khu vực này là động lực dẫn dắt các nền kinh tế thị trường hiện đại, phát triển trên thế giới.

Kinh tế tư nhân không được phát huy, đóng góp của khu vực doanh nghiệp có đăng ký chính thức vẫn chỉ loanh quanh 9-10% GDP trong nhiều thập kỷ nay, cho nên tốc độ tăng trưởng GDP chưa năm nào đạt hai con số. Đáng lo ngại hơn, gần 4 thập kỷ nền kinh tế chuyển đổi mà biểu đồ tăng trưởng GDP liên tục đi xuống, thập kỷ sau thấp hơn thập kỷ trước khoảng một điểm phần trăm. Từ tăng trưởng GDP trung bình trên/dưới 8%/năm xuống 7%, rồi 6%/năm, GDP trung bình 4 năm đầu thập niên 2020 dưới 5%/năm.

Khi đưa ra những số liệu trên đây, sẽ có ý kiến phản biện rằng 4 năm đầu thập niên 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, và do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... Phản biện như vậy không sai nhưng không thuyết phục.

Hậu quả Covid-19 ở Ấn Độ nặng nề hơn Việt Nam rất nhiều và Ấn Độ cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng tăng trưởng GDP của Ấn Độ năm tài khóa 2021 - 2022 đạt 9,1%; năm tài khóa 2022 - 2023 đạt 7,2%.

Quy mô nền kinh tế Ấn Độ lớn hơn quy mô nền kinh Việt Nam nhiều lần, nhưng họ vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng cao như vậy thì khó có lý do nào biện minh được cho sự chững lại đến mức đáng lo ngại của kinh tế Việt Nam từ năm 2020 đến nay.

Nguyện Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 là 5,03%, tuy rất đáng kể nhưng vẫn thấp hơn tăng trưởng bình quân 5,5% của các quốc gia đang phát triển trên thế giới.

Bên cạnh đó, những năm 50, 60, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cùng có điểm xuất phát thấp, tương đồng với xuất phát điểm của Việt Nam trước khi Đổi mới.

Ở giai đoạn dân số vàng, tăng trưởng bình quân GDP/năm của họ liên tục trong nhiều thập kỷ đều đạt tỷ lệ hai con số hoặc tiệm cận hai con số. Nhờ vậy, chỉ trên dưới 3 thập kỷ, các quốc gia và vùng lãnh thổ nêu trên đều trở thành những nền kinh tế có trình độ phát triển và thu nhập GDP theo đầu người thuộc nhóm cao hàng đầu của thế giới.

Đối với Trung Quốc có dân số trên 1,4 tỷ người. Những năm đầu mở cửa, GDP đầu người của Trung Quốc còn thấp hơn của Việt Nam. Nhưng từ một nước nghèo nàn lạc hậu, chỉ sau 40 năm, họ đã trở thành cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới, với quy mô GDP gấp hơn 40 lần quy mô GDP của Việt Nam; thu nhập GDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 12.550 USD, vượt mức trung bình cao toàn cầu (khoảng 12.100 USD). Trung Quốc đã bước sang ngưỡng thu nhập cao.

Còn đây là thu nhập GDP đầu người tính theo USD của các nước Đông Nam Á xếp trên Việt Nam: Singapore (58,484); Brunei (23.117); Malaysia (10,192); Thái Lan (7,295); Indonesia (4,038); Việt Nam (3,462) theo dữ liệu Quý 4/2023 của IMF.

Thu nhập bình quân đầu người của nước ta mới chỉ xếp hạng 120 thế giới, theo IMF, tức là vẫn ở giữa của nửa dưới thôi.

thep xay dung 43.jpg
Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vẫn còn chậm. Ảnh: Nam Khánh

Dù nước ta xếp hạng 40 nền kinh tế lớn trên toàn cầu, dân số đông thứ 15 nhưng quy mô của nền kinh tế chiếm chưa được một điểm phần trăm nền kinh tế toàn cầu.

Với nhiều lợi thế của quốc gia đi sau nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển, thu nhập GDP đầu người vẫn thuộc nhóm trung bình thấp, theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB).

Như vậy, mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế, xã hội nhưng Việt Nam vẫn đang tụt hậu xa không chỉ với các nước phát triển mà với các nước phát triển trung bình trên thế giới và trong khu vực.

Bởi vậy, cần phải định vị Việt Nam trong bản đồ kinh tế toàn cầu chứ không thể dùng phương pháp tự ta so sánh với ta. Có như vậy mới quyết tâm đột phá tư duy để hoàn thiện thể chế, mở đường cho đất nước phát triển.

Tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù rất tích cực, nhưng là năm thứ 3 liên tiếp đạt dưới mục tiêu bình quân chung Kế hoạch 5 năm (6,5-7%) và Chiến lược 10 năm (khoảng 7%); GDP bình quân đầu người năm 2023 chỉ đạt 4.284 USD, cách khá xa mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000 USD. Trên cơ sở đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng của kế hoạch 5 năm là rất khó khăn.

Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn, thách thức già hóa dân số, không tận dụng hết thời cơ dân số vàng.

Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu đặt ra của xu hướng phát triển toàn cầu và phát triển đất nước. Mục tiêu này rất cần thiết phải phân tích thêm sau khi mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đến năm 2020 đã không thành công.

Tốc độ tăng năng suất lao động còn thấp, chênh lệch năng suất lao động so với các nước trong khu vực và thế giới còn lớn. Đó là chưa kể các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn vẫn chậm phát triển, thậm chí còn thụt lùi hơn.

Nêu ra một vài điểm nghẽn như vậy để thấy, đòi hỏi của thực tiễn rất nặng nề và cần có thêm nhiều đột phá, đổi mới để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2030 là nước công nghiệp hiện đại và, xa hơn, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nguyễn Huy Viện

Top 10 nền kinh tế có khả năng cạnh tranh kỹ thuật số hàng đầu năm 2024, dẫn đầu là một quốc gia Đông Nam Á

Tiến độ 2 tuyến đường nghìn tỷ kết nối tam giác ‘vàng’ kinh tế trọng điểm phía Nam với sân bay Long Thành

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/dinh-vi-viet-nam-tren-ban-do-kinh-te-the-gioi-2253711.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Định vị Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới
    POWERED BY ONECMS & INTECH