Đô thị đặc biệt của Việt Nam sắp triển khai 3 khu công nghệ mới, quy mô hơn 250ha
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai nhanh chóng và quyết liệt các dự án trọng điểm như Khu công nghệ cao sinh học tại quận Bắc Từ Liêm (quy mô 199ha), Khu công viên công nghệ thông tin tại quận Long Biên (36ha) và Khu công nghệ phần mềm Hà Nội (32ha).
Chiều ngày 11/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị về phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: “TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03 của Chính phủ thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện. Đồng chí Bí thư Thành ủy giữ vai trò Trưởng Ban, Chủ tịch UBND là Phó trưởng Ban Thường trực. Thành ủy và UBND TP. Hà Nội đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai các nghị quyết này. Nhằm phát huy tiềm năng và trí tuệ của đội ngũ trí thức, vào cuối tháng 2, thành phố sẽ tổ chức một hội thảo chuyên sâu về việc thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 57 và Chương trình hành động của Chính phủ”.
>> Từ tháng sau, Hà Nội sẽ cấm ô tô trên 16 chỗ hoạt động trên khu vực phố cổ, hồ Gươm
![Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Nguồn ảnh: VGP/Nhật Bắc Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Nguồn ảnh: VGP/Nhật Bắc](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/11/cdn1z.reatimes.vn-652356615132086272-2025-2-11-_ha-noi-1739268923576927869236.jpg)
Về kinh tế số, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỷ trọng kinh tế số của Hà Nội hiện chiếm 16,26% GRDP (tương đương hơn 9,5 tỷ USD) - đứng thứ 6 cả nước. Tuy nhiên, theo ước tính từ Bộ Thông tin & Truyền thông, hoạt động kinh tế số của Hà Nội đạt mức cao hơn, khoảng 23% (tương đương 13,5 tỷ USD).
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai nhanh chóng và quyết liệt các dự án trọng điểm như Khu công nghệ cao sinh học tại quận Bắc Từ Liêm (quy mô 199ha), Khu công viên công nghệ thông tin tại quận Long Biên (36ha) và Khu công nghệ phần mềm Hà Nội (32ha).
Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, sẵn sàng đón nhận các dự án công nghệ lớn.
Với những lợi thế về nguồn nhân lực, đất đai và cơ chế, Hà Nội khẳng định sẵn sàng trở thành nơi thí điểm các chính sách đặc thù trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đồng tình với quan điểm cho rằng Nghị quyết số 57 có ý nghĩa quan trọng tương tự như “khoán 10” trước đây, thể hiện sự đổi mới về tư duy quản lý.
Ông nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không thay đổi tư duy từ khâu xây dựng dự thảo đến khâu giám sát, thì sẽ không thể thực hiện được. Cần có sự tuyên ngôn rõ ràng trong cả hệ thống, bao gồm cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nếu không, cán bộ sẽ không dám mạnh dạn đề xuất cơ chế mới”.
Về vấn đề nhân lực, ông cho rằng không thể tiếp tục áp dụng các phương pháp đào tạo cũ.
Ông dẫn chứng: “Khi đào tạo công nhân cho nhà máy lắp ráp chip theo tiêu chuẩn của Đài Loan (Trung Quốc), chúng ta cần sử dụng giáo trình của họ, chứ không phải tự đào tạo theo cách riêng. Nếu không có định hướng cụ thể, việc đào tạo tràn lan sẽ gây lãng phí và sinh viên ra trường khó đáp ứng nhu cầu thực tế”.
Ngoài ra, về cơ chế đặt hàng trong nghiên cứu khoa học, ông đề xuất Nhà nước nên xây dựng cơ chế phân phối lợi nhuận, nhưng việc phân phối này cần do doanh nghiệp thực hiện, thay vì Nhà nước.
Ông giải thích: “Doanh nghiệp có nhu cầu nghiên cứu sẽ đặt hàng các viện nghiên cứu theo cơ chế thị trường. Cách làm này giúp tránh phụ thuộc vào nguồn ngân sách và các thủ tục hành chính như hóa đơn, quyết toán truyền thống, vốn không phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ”.
Khu công nghệ cao TP. HCM sẽ trở thành trung tâm công nghệ đa ngành
Khu công nghệ cao tại TP đông dân nhất Việt Nam được dự chi hơn 17.000 tỷ đồng để mở rộng