Độ tuổi nên ngừng uống rượu hoàn toàn để tránh hủy hoại não
Từ 65 tuổi trở lên, bạn nên vĩnh viễn không uống rượu để giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới não.
Tiến sĩ người Mỹ Richard Restak thông tin, uống rượu thường xuyên, say sưa có thể gây tổn hại cho sức khỏe não bộ.
Trong cuốn sách mới Cách ngăn ngừa chứng mất trí nhớ: Hướng dẫn của chuyên gia về sức khỏe não bộ, Tiến sĩ Restak, nhà thần kinh học, đã mô tả rượu bia là chất độc thần kinh. Đó là những chất gây tổn hại, phá hủy hoặc làm suy giảm chức năng của hệ thần kinh, bao gồm cả não.
Do những tổn hại mà rượu có thể gây ra, Tiến sĩ Restak đã đề xuất độ tuổi mà mọi người nên ngừng uống rượu mãi mãi. Ông viết: “Từ 65 tuổi trở lên, bạn nên loại bỏ vĩnh viễn rượu khỏi chế độ ăn uống của mình”.
Rượu gây hại cho não như thế nào?
Theo Hiệp hội Alzheimer, bằng chứng cho thấy uống rượu quá mức làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Tổ chức này giải thích uống rượu có liên quan đến giảm thể tích chất trắng trong não - yếu tố giúp truyền tín hiệu giữa các vùng não khác nhau, dẫn đến các vấn đề về chức năng não.
Hướng dẫn Chế độ ăn uống dành cho người Mỹ khuyến nghị phụ nữ uống không quá một cốc bia 350ml (5%) hoặc 1 ly rượu vang 150ml (12%) hoặc 45ml rượu mạnh (40%). Nam giới có ngưỡng cao gấp đôi.
Nếu uống quá mức trên trong một thời gian dài có thể làm co lại các phần não liên quan đến trí nhớ. Uống gấp đôi lượng rượu khuyến nghị dễ dẫn đến suy giảm rõ rệt kỹ năng tư duy khi mọi người già đi.
Tiến sĩ Restak cho biết có một loại bệnh mất trí nhớ cụ thể liên quan đến uống quá nhiều rượu là hội chứng Wernicke-Korsakoff. Người tiêu thụ quá mức đồ uống có cồn cũng có nguy cơ thiếu vitamin B1, tổn thương não.
Đặc điểm của chứng rối loạn não gây khó khăn trong việc tập trung, giải quyết vấn đề; thiếu động lực để thực hiện các hoạt động kể cả việc thiết yếu như ăn uống; không kiểm soát được cảm xúc, trở nên cáu kỉnh; thiếu tế nhị, không quan tâm tới người khác; chậm hiểu, dễ quên các sự kiện mới diễn ra.
Biện pháp giúp giảm nguy cơ mất trí nhớ
Một số yếu tố nguy cơ gây chứng mất trí nhớ - bao gồm gene, tuổi tác và tiếp xúc với ô nhiễm không khí - có thể không thể thay đổi được. Nhưng bạn có thể áp dụng lối sống lành mạnh để giảm khả năng mắc bệnh liên quan tới não.
Tập thể dục thường xuyên
Theo Hiệp hội Alzheimer, có bằng chứng rõ ràng cho thấy lười tập thể dục làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Nghiên cứu gần đây của Mỹ ghi nhận những người có khối lượng cơ nạc nhiều hơn có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer thấp hơn 12%.
Một nghiên cứu khác chứng minh, ngồi 10 giờ mỗi ngày làm tăng nguy cơ mất trí nhớ nhanh chóng.
Không hút thuốc
Hút thuốc có thể khiến bạn có khả năng mắc chứng mất trí nhớ cao hơn nhiều khi về già vì làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim và mạch máu, có liên quan đến bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ do mạch máu.
Điều trị trầm cảm
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh cho biết trầm cảm là tình trạng phổ biến, nếu không điều trị sẽ làm tăng khả năng mất trí nhớ. Theo Hiệp hội Alzheimer, những người từng trải qua giai đoạn trầm cảm trong đời dễ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn.
Kiểm soát huyết áp và bệnh tiểu đường
Một số bất ổn như huyết áp cao hoặc bệnh tiểu đường có thể dẫn tới chứng mất trí nhớ. Vì vậy, kiểm tra sức khỏe thường xuyên để tránh các tình trạng trên trở nặng sẽ giúp giảm nguy cơ trên.